Thư viện học tập
Một số đề thi tham khảo
ĐỀ SỐ 2
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ số 1 đến số 4
" Cái đẹp vừa ý là xinh là khéo . Ta không háo hức cái tráng lệ , huy hoàng , không say mê cái huyền ảo , kì vĩ màu sắc chuộng cái dịu dàng , thanh nhã , ghét cái sặc sỡ . quy mô chuộng sụ vừa khéo , vừa xinh , phải khoảng . giao tiếp ứng xử , chuộng hợp tình hợp lí , áo quần , trang sức , món ăn đều không chuộng sự cầu kì . Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng thanh lịch , duyên dáng và có quy mô vừa phải .
Không có công trình kiến trúc nào , kể cả của vua chúa nhằm vào sự vĩnh viễn . Hình như ta coi trọng thế hơn lực , quý sự kín đáo hơn sự phô trương , sự hòa đồng hơn sự rạch ròi rắng đen . Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu , về thực tế nhiều khó khăn nhiều bất trắc ? "
Câu 1 Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào thuộc chương trình lớp 12 ? Tác giả của đoạn văn ? Từ " Ta " trong câu thứ 2 chỉ đối tượng nào ? ( 0,25đ )
Câu 2 Những vấn đề được đề cập trong đoạn văn ? ( 0,5đ )
Câu 3 Liệt kê những cụm từ chỉ thái độ của "ta" trong đoạn văn ? ( 0,25đ )
Câu 4 Viết đoạn văn khoảng 5 câu bàn về vốn văn hóa của dân tộc ta ( sử dụng những gợi ý của tác giả trong đoạn văn trên, không chép lại đoạn văn của tác giả ) ( 0,5đ )
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ số 5 đến số 8
" Ơi kháng chiến ! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau , còn đủ sức soi đường,
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương.
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đến giêng hai , chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
( Chế Lan Viên - Tiếng hát con tàu )
Câu 5 Bài thơ " Tiếng hát con tàu " của Chế Lan Viên ra đời trong thời kì nào ? Nêu ngắn gọn nội dung cảm xúc được bộc lộ trong đoạn thơ trích dẫn ( 0,5đ )
Câu 6 Từ " Mẹ " trong câu thơ chỉ ai ? Giá trị của từ này ( 0,25đ )
Câu 7 Những thủ pháp nghệ thuật chính đã được Chế Lan Viên sử dụng trong 4 câu thơ sau của đoạn thơ và ý nghĩa của chúng ? ( 0,5đ )
Câu 8 Làm sáng tỏ hàm nghĩa và cái hay của các từ " đi ", " vượt " , " về " trong hai câu 3,4 của đoạn thơ ( 0,25đ )
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1 Đoạn văn trên được trích từ văn bản " Nhìn về vốn văn hóa dân tộc " Của tác giả Trần Đình Hượu . Từ " Ta " trong câu thứ 2 chỉ chung người Việt Nam hoặc dân tộc Việt Nam .
Câu 2 Những vấn đề được đề cập trong đoạn văn
- Đặc điểm thị hiếu , thẩm mĩ của người Việt Nam nói chung
- Lí giải cơ sở hình thành thị hiếu thẩm mĩ riêng của người Việt Nam .
Câu 3 Những cụm từ chỉ thái độ của " Ta " trong đoạn văn là: không háo hức , không say mê, chuộng , gét , không chuộng , coi trọng , quý .
Câu 4 Viết đoạn : Văn hóa là một yếu tố mang bản sắc riêng của dân tộc . Văn hóa Việt Nam được đánh giá là nhỏ nhẹ , dịu dàng thanh lịch . Từ cách chọn màu sắc đến giao tiếp , đến ăn mặc đều chuộng sự khéo và xinh . Có đặc điểm riêng biệt này là xuất phát từ ý thức , tập quán sinh hoạt , và cả trrong lao động sản xuất của con người Việt Nam . Phần lớn là do tư thế tầm vóc của con người Việt Nam nhỏ bé , lao động thủ công vì thế mà chưa vươn tới được cái tráng lệ huy hoàng . Yếu tố văn hóa này nhìn chung cũng có mặt tích cực và tiêu cực của nó . Một mặt tạo nên vẻ đẹp khiêm nhường dễ gần dễ mến , và thân thiện của con người Việt nam , nhưng mặt khác thì nó có thể che khuất tầm nhìn và cả tầm hiểu biết của cả một dân tộc . Vì thế mà bên cạnh việc bảo tồn vốn văn hóa truyến thống, ta nên mở lòng tiếp nhận tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới .
Câu 5 Bài thơ " Tiếng hát con tàu " của Chế Lan Viên ra đời năm 1960 trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc .
- Cảm xúc chính được bộc lộ trong đoạn thơ
+ Bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc của nhà thơ với nhân dân và kháng chiến .
+ Bộc lộ ước muốn phấn đấu không ngừng để trả nghĩa cho cuộc đời , đất nước , và nhân dân
Câu 6 Từ " Mẹ " trong câu thơ chỉ nhân dân ( Cũng có thể chỉ cả cách mạng và kháng chiến ) . Với cách dùng từ này tác giả đã bầy tỏ đươc tình cảm , sự yêu thương kính trọng , sự biết ơn của mình đối với nhân dân rất rõ . Mặt khác lại tạo ra sự tương quan với từ " Con " ở những câu thơ trên cho thấy nhà thơ đã nhìn nhân dân như người đã sinh ra , nuôi dưỡng mình , dạy dỗ mình nên người . Đây là cái nhìn hết sức mới mẻ của một hồn thơ đi từ đi từ "thung lũng đau thương sang cánh đồng vui" , từ hồn thơ của niền kinh dị trở thành hồn thơ cách mạng .
Câu 7 Trong 4 câu thơ sau tác giả đã dùng phép so sánh và liệt kê . So sánh kéo dài cả một chuỗi suốt mấy câu ,và tất cả sự việc , hình ảnh được liệt kê đều mang cùng một tính chất . Chỉ niềm sung sướng khi được hồi sinh . Sự liệt kê ở đây mang tính trùng điệp tạo ra những hình ảnh tầng bậc cảm xúc khác nhau . Với việc dùng các thủ pháp nghệ thuật nói trên tác giả làm cho khái niệm " biết ơn " có một sắc thái cụ thể , đầy biểu cảm , đồng thời thể hiện được mạch cảm xúc dào dạt một cách tài hoa .
Câu 8 Các từ " đi " " vượt " " về " mang ý nghĩa ẩn dụ chỉ cuộc hành trình cùng cách mạng và kháng chiến của nhà thơ . Qua cái nhìn hồi cổ " đã đi ", qua việc chỉ tâm niệm phấn đấu hơn nữa với từ "cần vượt". Và cả một chút lắng lại để chiêm nghiệm về những ân nghĩa của nhân dân cùng kháng chiến qua từ "cần vượt"
ĐỀ SỐ 1
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ số 1 đến số 4
" Về mặt thể loại văn học , ở nước ta thơ có truyền thống lâu đời . Sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên , của dân tộc Mường ...truyện thơ dân gian của dân tộc Thái , Tày , Nùng ... còn lưu truyền nhiều thiên bất hủ . Ca dao , dân ca , thơ cổ điển của người Việt thời phong kiến cũng để lại nhiều viên ngọc quý . Thơ hiện đại trước cũng như sau cách mạng tháng tám năm 1945 đã góp vào kho tàng văn học biết bao kiệt tác . Văn xuôi tiếng Việt ra đời muộn , gần như cùng với thế kỉ xx , nhưng tốc độ phát triển và trưởng thành hết sức nhanh chóng . Với các thể bút kí , tùy bút , truyện ngắn , tiểu thuyết , văn xuôi Việt Nam đã có thể sánh cùng với nhiều nền văn xuôi hiện đại của thế giới "
Câu 1 Hãy cho biết đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì ? Căn cứ vào đâu để nhận biết điều ấy ? ( 0,5đ )
Câu 2 Anh / chị hiểu thế nào là " Kho tàng văn học dân tộc " ( 0,5đ )
Câu 3 Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những thuật ngữ khoa học nào ? ( 0,25đ )
Câu 4 Hãy đặt nhan đề cho đoạn văn trên ? ( 0,25đ )
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ số 5 đến số 8
" Hôm nay Cao - Bắc - Lạng lại cười vang
Dọn lán , rời rừng , người xuống làng
Người nói , cỏ lay trong rừng rậm
Cuốc đất dọn cỏ mẹ khuyên con
Đường cái kêu vang tiếng ô tô
Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ
Mờ mờ khối bếp bay trên mái nhà lá
Từ nay không nghập cỏ lối về
Hổ không dám đẻ con trong vườn chuối
Quả trong vườn không lo tự chín tự rụng
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy thành vũng "
( Mùa đông năm 1950 - Nông Quốc Chấn )
Câu 5 Căn cứ vào nội dung và chỉ dẫn đoạn trích, anh / chị hãy vắn tắt hoàn cảnh ra đời của bài thơ ? ( 0,25đ )
Câu 6 Cảm xúc bao trùm toàn bộ đoạn thơ là cảm xúc gì ? Yếu tố nghệ thuật nào đã góp phần biểu lộ cảm xú ấy ? ( 0,5đ )
Câu 7 Đoạn thơ mang đậm phong cách của một nhà thơ miền núi . Anh chị hãy tìm các yếu tố để minh họa ? ( 0,25đ )
Câu 8 Viết đoạn văn khoảng 5 câu nói về niềm vui của tác giả khi quê hương được giải phóng . ( 0,5đ )
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1 Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học . Có hai dấu hiệu để nhận biết điều đó : Thứ nhất nội dung của đoạn văn bàn về một vấn đề của văn học sử Việt Nam . Thứ hai trong đoạn văn người viết dùng nhiều thuật ngữ khoa học .
Câu 2 Các thuật ngữ khoa học xuất hiện trong đoạn văn: thể loại văn học , thơ , sử thi , truyện thơ dân gian , ca dao , dân ca , thơ cổ điển , văn xuôi , bút kí , tùy bút , truyện ngắn , tiểu thuyết
Câu 3 " Kho tàng văn học dân tộc " là tất cả các tác phẩm văn học thuộc mọi thể loại ( Kể cả văn học đan gian và văn học viết ) có mặt trong nền văn học của nước ta từ trước đến nay .
Câu 4 Có thể đặt tên cho đoạn trích
" Vấn đề thể loại của nền văn học Việt Nam " hoặc " Đặc điểm thể loại của nền văn học Việt Nam "
Câu 5 Đoạn trích có nhắc đến các địa danh Cao - Bắc - Lạng và chỉ dẫn mùa đông năm 1950 đã cho ta biết tác phẩm đã ra đời vào những năm kháng chiến chống Pháp đau thương mà anh dũng của dân tộc . Nông Quốc Chấn viết về niềm vui khi quê hương mình được giải phóng .
Câu 6 Cảm xúc bao trùm lên toàn bộ đoạn thơ là niềm vui khi quê hương được giải phóng . Cảm xúc ấy đã được thể hiện trong các yếu tố nghệ thuật như : - cách ngắt nhịp 2/2/2, ngắn , đều đặn tạo cảm giác nhân dân đang khẩn trương tạo dựng lại cuộc sống của mình sau những hoang tàn đổ nát của chiến tranh .
- Phép liệt kê những công việc nhân dân đang làm : Dọn lán , rời rừng , cuốc đất , dọn cỏ => Phản ánh niềm vui khi làm chủ quê hương
- Cách nói mộc mạc giản dị : Kêu vang tiếng ô tô , quả không lo tự chín tự rụng , mờ mờ khói bếp diễn tả niềm vui đã trở thành hiện thực ở nơi này .
- Phép nhân hóa " Đường cái kêu vang " " Quả không lo tự chín rụng " " Ruộng không thành nơi máu chảy thành vũng " Khẳng định niềm vui và phủ định nỗi buồn , chứng tỏ quê hương đã hoàn toàn giải phóng .
Câu 7 Đoạn thơ thể hiện rõ phong cách của nhà thơ miền núi được thể hiện qua việc sử dụng cách nói của người miền núi
- Kêu vang tiếng ô tô , không ngập cỏ lối đi , quả không lo tự chín tự rụng . ( Cách nói mộc mạc chân thành )
- Qua các hình ảnh chỉ cuộc sống lao động và sinh hoạt của người miền núi , dọn lán , rời rừng , xuống làng mờ mờ khói bếp , mái nhà lá , hổ
Câu 8 Viết đoạn : Niềm vui của tác giả khi quê hương được giải phóng bao trùm lan tỏa trên khắp khổ thơ . Nhà thơ như thấy nhân dân đang vô cùng hào hứng khẩn trương bắt tay vào công việc tổ chức lại cuộc sống của mình dọn lán , rời rừng , cuốc đất dọn cỏ . Những hình ảnh tươi vui của cuộc sống đã bắt đầu xuất hiện; tiếng ô tô trên đường cái , tiếng trẻ thơ ríu rít trong trường học , khói bếp mờ mờ bay bay trên mái nhà lá . Không còn những hình ảnh đau thương và thê thảm , hoang vắng : hổ không dám vào làng , quả trong vườn có bàn tay người tự hái, đồng ruộng không thành nơi máu chảy. Đoạn thơ được viết với nhịp điệu khẩn trương với các phép tu từ : liệt kê và nhân hóa độc đáo . Niền vui của tác giả lan tỏa đến bạn đọc , người ta như cũng thấy hân hoan trước cảnh cuộc sống mới của người dân nơi này đang được lập lại .
ĐỀ SỐ 3
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ số 1 đến số 4
HỌC QUA TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN VÀ QUA KẾT NỐI
Những thanh niên lớn lên với mạng Intenet đã quá quen thuộc với việc học tập thông qua truyền thông đa phương tiện , khác với việc chỉ tương tác với bài học bằng văn bản . Theo ông bà Blinger. " Các nhà nghiên cứu nói rằng sinh viên Thế hệ Nét sẽ không chịu đọc quá nhiều văn bản dù đó là những bài đọc dài được yêu cầu đọc ở nhà , hay những câu hướng dẫn dài " . Trong một nghiên cứu việc thay đổi lời hướng dẫn từ phương pháp, từng bước dựa trên văn bản sang phương pháp sử dụng sơ đồ hình vẽ , số lượng sinh viên từ chối đọc bài ở nhà giảm xuống, và số lượng gửi bài lên mạng tăng lên . Những lần tôi phỏng vấn sinh viên cũng như phỏng vấn giáo viên của họ ở trung học và đại học , khẳng định rằng sinh viên ngày càng thiếu kiên nhẫn với kiểu học thầy giảng , trò ghi và tìm thông tin trong sách giáo khoa và ngày càng thích các buổi thảo luận tại lớp ,
Thế hệ Nét thích làm nghiên cứu trên Intenet hơn là với hàng đống sách trong thư viện , một phần là do những trải nghiệm mà Intenet mang lại . Văn xuôi được bổ xung bởi bài hát , hình ảnh được băng video kèm theo . Các vấn đề tranh luận thậm chí được đưa lên mạng để thăm dò ý kiến và thảo luận trực tiếp . " Đối với Thế hệ Nét , hầu như mọi ngóc ngách của đời sống đều được trình bày dưới dạng truyền thông đa phương tiện " . Cerie Windham đã viết như vậy . Và để luôn tập trung chú ý trong lớp học , cần có một phương pháp giống như vậy . Đội ngũ giáo viên cần phải dẹp qua một bên cái quan niệm đang hấp hối , rằng một bài giảng tại lớp và bài đọc tiếp theo giao về nhà là đủ cho một bài học . Thế hệ Nét rất đáp ứng với nhiều hình thức truyền thông đa phương tiện khác nhau như truyền hình , phát thanh , phim hoạt hình và văn bản .
Một khi đã lên mạng Intenet tìm kiếm thông tin , các sinh viên Thế hệ Nét phát triển thành thạo sống còn ở việc mà Jonh Scely Braown gọi là " Truy cập thông tin " . Theo Brow " Việc thực sự được xóa mù của ngày mai , đòi hỏi khả năng làm quản thủ thư thư viện tham khảo của chính bạn - biết cách truy cập thông tin qua những không gian thông tin phức tạp , dễ nhầm lẫn , và cảm thấy thoải mái được làm điều đó . " Truy cập " có thể thực sự là hình thức chủ đạo của việc xóa mù trong thế kỉ XXI
Và như Jason Frand của đại học UCLA khảo sát , sinh viên đại học nhày nay muốn được kết nối với người khác cũng như với đủ loại nguồn thông tin khác nhau trong khi học tập: " Sinh viên với một đầu óc của thời đại thông tin mong muốn việc giáo dục tập trung vào tiến trình học tập hơn là một khối kiến thức . Họ muốn là một phần của cộng đồng học tập , với người học là các trung tâm và những nhánh phụ xoay quanh , loại bỏ các mô hình phát sóng của TV ( Hay người ghi chép bài giảng ở giảng đường ) .
( Tony Wagner , theo : cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục , NXB thời đại 2014 )
Câu 1 Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ? ( 0,25đ )
Câu 2 Văn bản sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào ? ( 0,25đ )
Câu 3 Nội dung chính của văn bản là gì ? Trong văn bản người viết gọi tên đối tượng học qua truyền thông đa phương tiện và qua kết nối bằng cụm từ nào ? ( 0,5đ )
Câu 4 Anh / chị nghĩ thế nào về kiểu học thầy giảng trò ghi . Viết khoảng 5 câu bày tỏ quan điểm của anh / chị .
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ số 5 đến số 8
" Tôi đâu biết Bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng quan
Bà đi gánh chè xanh ở Ba Trại
Quán cháo , Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
Giữa Bà tôi và tiên , phật , thánh , thần
Cái năm đói , củ rong riềng luộc sượng
Cứ nghe thơm mùi huệ trắng , hương trầm".
( Đò Lèn- Nguyễn Duy )
Câu 5 Hình ảnh Bà hiện lên trong kí ức của nhà nhà thơ như thế nào ? ( 0,5đ )
Câu 6 Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một phép tu từ có trong đoạn trích . ( 0,5đ )
Câu 7 Giải thích nghĩa của hai câu thơ " Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực / giữa bà tôi và tiên , phật , thánh , thần". ( 0,25đ )
Câu 8 Phân tích sức biểu đạt của từ láy " thập thững " ( 0,25đ )
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
Câu 1 Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ khoa học
Câu 2 Văn bản sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt . Thuyết minh và nghị luận
Câu 3 Nội dung chính của văn bản , ưu điểm của việc học qua truyền thông đa phương tiện và qua kết nối . Người viết gọi tên đối tượng học qua truyền thông đa phương tiện và qua kết nối bằng cụm từ Thế hệ Nét
Câu 4 Viết đoạn văn bầy tỏ quan điểm:
Kiểu học thầy giảng trò ghi là một kiểu học truyền thống . Đã là kiểu học truyền thống thì ta không thể phủ nhận hoàn toàn nó , nhưng cũng không thể khẳng định rằng nó vẫn còn theo kịp sự phát triển của thời đại . Những lời giảng của thầy hơn bất cứ một lúc nào vẫn còn thích ứng với học sinh, đảm bảo chất mô phạm của quá trình giáo dục . Nhưng nếu chỉ nghe và ghi quả thật quá nhàm chán . Hãy tạo điều kiện cho học sinh và sinh viên tự nghiên cứu . Sau đó đối thoại với thầy để hiểu và khắc sâu thêm bài học . Do vậy trong giáo dục rất cần sự đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của học sinh . Nhưng cũng nên giữ lại những gì tinh túy nhất của phương pháp truyền thống .
Câu 5 Hình ảnh người Bà hiện lên trong kí ức của nhà thơ, vừa vất vả tảo tần nhưng cũng thật đẹp . Bà lao động lam lũ ( mò cua xúc tép ) bà luôn bán tảo tần ( gánh chè xanh, quán cháo ) nhưng bà đẹp diệu kì trong suy nghĩ của nhà thơ ( như tiên phật , thánh thần )
Câu 6 Phép tu từ có trong đoạn trích là phép đối
- Đối từ hư > < thực
- Đối hình ảnh Củ dong riềng > < mùi huệ trắng , hương trầm
- Đối ý Thế giới đời thực đầy vất vả lam lũ nhưng trong kí ức tuổi thơ của nhà thơ cứ đẹp đẽ trong sáng như thế giới tiên, phật, thánh thần .
- Hiệu quả của phép đối : Phép đối đã làm rõ hồi ức về tuổi thơ của nhà thơ . Ngây thơ và trong sáng . Bà thì lam lũ vất vả nhưng với nhưng với tình yêu trong sáng, nhà thơ thấy bà vẫn đẹp như: tiên ,phật, thánh thần .Bà cứ lam lũ vất vả, còn cháu thì cứ vô tư chưa biết thương bà. Cuộc sống còn nhiều khó khăn , nghèo đói , nhưng với tuổi thơ hồn nhiên vô tư tác giả chẳng bận lòng đến điều đó chỉ thấy đẹp đẽ và thanh cao như màu hoa huệ trắng , hương trầm .
Câu 7 Nghĩa của hai câu thơ . Tôi như người sống trong mộng ảo cứ trong trắng và ngây thơ thấy bà tôi giống như tiên phật , thánh thần ( lí tưởng hóa hình ảnh người bà , thể hiện tình cảm trong sáng ngây thơ )
Câu 8 Thập thững là từ láy gợi hình . Gợi hình dáng người bà quẩy gánh hàng bước cao bước thấp giữa đêm đông . Vừa có tính chất biểu cảm thể hiện niềm thương sự trân trọng của tác giả với người bà của mình .
( Lưu ý câu 6 có thể phân tích nghệ thuật chuyển đổi cảm giác )
ĐỀ SỐ 4
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ số 1 đến số 4
" Tiếng trống thu không trêu cái chòi canh của huyện nhỏ ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều . Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn . Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời .
Chiều , chiều rồi . Một chiều êm ả như ru , văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào . Trong cửa hàng hơi tối , muỗi bắt đầu vo ve . Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen ; đôi mắt chị bỗng tối ngập dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị ; Liên không hiểu sao , nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn .
- Em thắp đèn lên chị Liên nhé ?
-Hẵng thong thả lát nữa cũng được . Em ra đây ngồi với chị kẻo ở trong ấy muỗi .
An bỏ bao diêm xuống bàn cùng chị chạy ra ngoài chõng ngồi ; chiếc chõng nan lún xuống và Nghe tiếng An, Liên đứng dậy trả lời :
kêu cót két .
- Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ ?
- Ừ để rồi chị bảo mẹ mua cái khác thay vào ."
( Thạch Lam - Hai đứa trẻ - Ngữ văn 11 )
Câu 1 Đoạn văn miêu tả gì ? những chi tiết nào đã thể hiện điều đó ? ( 0,25 điểm )
Câu 2 Biện pháp tu từ chủ yếu nào được sử dụng khi miêu tả ? ( 0,25 điểm )
Câu 3 Đoạn trích cho thấy nhân vật Liên là một người thế nào ? hãy sử dụng ít nhất một dẫn chứng để minh họa cho câu trả lời . ( 0,5 điểm )
Câu 4 Viết khoảng hai đến bốn câu nêu lên nhận xét về nghệ thuật miêu tả cảnh chiều tàn nơi phố huyện .
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ số 5 đến số 8
" Ôi , phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi , tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông , mọi kiếp người.
Bác chẳng buồn đâu , Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau ..."
( Bác ơi - Tố Hữu )
Câu 5 Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ ( 0,25 điểm )
Câu 6 Bài thơ " Bác ơi " của Tố Hữu đã ra đời trong hoàn cảnh nào ? được đánh giá là gì ? (0,5 điểm )
Câu 7 Hai đoạn thơ đã ngợi ca vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ trên phương diện nào ? ( 0,25 điểm )
Câu 8 Xác định hai biện pháp tu từ có trong hai đoạn thơ và phân tích hiệu quả của chúng ? (0,5 điểm)
Hết
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
Câu 1 Đoạn văn miêu tả cảnh chiều quê . Những chi tiết đã được nhà văn dùng để miêu tả là : Tiếng trống thu không , phương tây đỏ rực như lửa cháy , dãy tre làng trước mắt đen lại , tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng , muỗi vo ve , đôi mắt Liên bóng tối ngập dần . ( 0,25 điểm )
Câu 2 Biện pháp tu từ chủ yếu được dùng để miêu tả cảnh chiều là : biện pháp so sánh , xuất hiện 3 lần " phương tây đỏ rực như lửa cháy " " những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn " " một chiều êm ả như ru " ( 0,25 điểm )
Câu 3 Đoạn trích cho thấy Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm , và già dặn trước tuổi . Nhạy cảm trước buổi chiều quê buồn lặng " Liên ngồi yên lặng trước mấy quả thuốc sơn đen , đôi mắt chị bóng tối ngập dần, và cái buồn của buổi chiều quê , thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị " Liên còn già dặn trước tuổi khi phải thay mẹ chăm lo quán xuyến việc gia đình , ân cần chu đáo với em " Hằng thong thả một lát nữa cũng được . Em ra đây ngồi với chị kẻo ở trong ấy muỗi " ( 0,5 điểm )
Câu 4 Viết đoạn 4 câu
1. Tác giả đã khắc họa cảnh chiều tàn bằng những câu văn êm dịu " Chiều, chiều rồi . Một chiều êm ả như ru " 2.Với những âm thanh , hình ảnh màu sắc gần gũi , mang cốt cách làng quê , giàu sức gợi như : " tiếng muỗi " " tiếng ếch nhái " 3. Sự xung đột giữa ánh sáng và bóng tối cho ta thấy rõ các khoảnh khắc thời gian đang dịch chuyển : phương tây đỏ rực như lửa cháy còn dãy tre làng trước mặt đen lại . 4. Qua đó nhà văn đã làm sống dậy trong tâm thức mỗi con người về một buổi chiều tàn nơi phố huyện , đượm buồn sâu lắng . ( 0,5 điểm )
Câu 5 Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là phương thức biểu cảm ( 0,25 điểm )
Câu 6 Bài thơ " Bác ơi " của nhà thơ Tố Hữu ra đời ngày 6- 9 - 1969 . giữa lúc mà cả dân tộc và nhân dân thế giới đau đớn tiếc thương vô hạn trước sự qua đời của Bác - người anh hùng giải phóng dân tộc - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam . Bài Bác ơi được coi là tiếng khóc tiễn biệt Bác và được đánh giá là " điếu văn bi hùng " ( 0,5 điểm )
Câu 7 Hai đoạn thơ đã ngợi ca hình tượng Bác Hồ trên các phương diện
- Nỗi lo lắng sâu nặng cho dân cho nước
- Tình yêu bao la Bác dành cho dân cho nước
- Sự hi sinh quên mình cho dân tộc và cho nhân loại . ( 0,25 điểm )
Câu 8 Hai biện pháp tu từ là hoán dụ và điệp từ .
- Hiệu quả : phép hoán dụ trong câu thơ " Bác ơi tim Bác mênh mông thế " . Trái tim dùng để thay thế cho con người tình cảm của Bác . Thủ pháp hoán dụ đã giúp nhà thơ ngợi ca tình cảm bao la mà Bác đã dành cho dân tộc và nhân loại .
Phép điệp từ : điệp từ đau xuất hiện 2 lần - vừa diễn tả sự hi sinh thầm lặng của bác cho dân tộc và nhân loại , vừa khẳng định tình yêu duy nhất và quan trọng nhất mà lòng bác hướng về ( 0,5 điểm ) .
ĐỀ SỐ 5
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ số 1 đến số 4
" Làm thơ , ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói , tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường . Làm thơ là đang sống , không phải chỉ nhìn lại sự sống , làm một câu thơ yêu , tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt . Bài thơ là những câu những lời diễn lên , làm sống ngay lên một tình cảm , một nỗi niềm trong lòng người đọc . Bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc . Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận . Nhưng kì thực , cái trạng thái tâm lí truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình , khi nhìn những chữ , khi nghe những lời , khi mọi sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh , những ý nghĩ , những mong muốn , những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kéo theo đằng sau những vùng sáng xung quanh ngọn lửa . "
( Nguyễn Đình Thi - Mấy ý nghĩ về thơ )
Câu 1 Xác định phương thức biểu đạt và thao tác nghị luận chính của đoạn được trích dẫn ? ( 0,5 điểm )
Câu 2 Dẫn ra câu nêu nội dung chính của đoạn ( 0,25 điểm )
Câu 3 Theo Nguyễn Đình Thi , làm thế nào để người đọc hiểu được tình cảm của nhà thơ ( 0,25 điểm )
Câu 4 Viết một đoạn văn khoảng 6 câu . Chọn một bài thơ trong chương trình lớp 12 mà theo anh / chị nó có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của mình . ( 0,5 điểm )
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ số 5 đến số 8
" Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi viết tên em
Trên những trang sách đã đọc
Trên những trang giấy trắng chưa dùng
Đá máu giấy hoặc tro tàn
Tôi viết tên em
Trên hình ảnh rực rỡ vàng son
Trên gươm đao người lính chiến
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em "
( Tự do - P.E. Luya )
Câu 5 Giới thiệu vắn tắt về tác giả và bài thơ ( 0,5 điểm )
Câu 6 Xác định thể thơ ? nêu các biểu hiện cụ thể ? ( 0,25 điểm )
Câu 7 Phân tích ý nghĩa của phép điệp trong đoạn thơ được trích dẫn ( 0,5 điểm )
Câu 8 Nhân vật em trong bài thơ chỉ ai ? cách gọi ấy có tác dụng gì ? ( 0,25 điểm )
...........Hết..............
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
Câu 1 Xác định phương thức biểu đạt và thao tác nghị luận (0.5đ)
- Phương thức biểu đạt : Nghị luận
- Thao tác nghị luận chính : giải thích .
Câu 2 Câu nêu nội dung chính của đoạn
" Làm thơ , ấy là dùng lời lẽ và những dấu hiệu thay cho lời nói , tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường " (0.25đ)
Câu 3 Theo Nguyễn Đình Thi để người đọc hiểu được tình cảm của mình nhà thơ phải dùng phương tiện chất liệu là ngôn ngữ ( bao gồm những câu , những lời ) để làm sống lên một tình cảm , một nỗi niềm trong lòng người đọc .(0.25đ)
Câu 4 Viết đoạn
1- Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng bài thơ về người chiến binh thời chống Pháp , với hai nguồn cảm hứng lãng mạn và bi tráng hòa quyện vào nhau , đã làm xúc động bao trái tim chiến sĩ một thời . 2- Đọc bài thơ ta thấy được hết cái gian khổ , khốc liệt của người lính chiến , địa bàn hành quân cheo leo nơi sườn dốc , sốt rét rừng làm cho họ chết bệnh nhiều hơn chết trận , rồi những cái chết tha phương không một mảnh mền chăn chiếu , vùi thân nơi đất khách . 3- Thế mà những chàng trai của đất Hà Thành ấy vẫn cứ kiêu hùng , lãng mạn , và hào hoa vẫn cống hiến tất cả tuổi trẻ của mình cho tổ quốc " chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh ". 4- Thấy những chàng trai mười tám đôi mươi hi sinh vì nền độc lập tự do cho dân tộc ta lại nghĩ đến mình , phải sống sao đây cho xứng đáng với cha anh trong quá khứ . 5- Chiến tranh đồng nghĩa với bạo tàn , bằng mọi nội lực mỗi cá nhân phải đồng lòng dốc sức để đẩy lùi được nó , vì vậy mà yêu lao động , yêu con người , và dốc lòng để học tập nghiên cứu, cũng là cách để gìn giữ hòa bình .(0.5đ)
Câu 5 Tác giả Pôn-Ê-Luy-a nhà thơ Pháp thế kỉ XX đã từng là người lính . Các sáng tác của Ê- Luy-a mang nội dung chống chiến tranh đế quốc và giàu tính nhân đạo ,với khát vọng đưa nước Pháp tiến đến cuộc sống tự do , hòa bình . Thơ ông không chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh thơ như truyền thống , mà dấu ấn chủ nghĩa siêu thực để lại khá đậm nét trong các sáng tác của ông.
- Bài thơ tự do được viết trong thời kì nước Pháp bị phát xít Đức xâm lược . Được coi là bài " thánh ca cách mạng " ngợi ca tự do . Được in trong tập " Thơ ca và chân lí " , được viết theo thể thơ tự do . (0.5đ)
Câu 6 Thể thơ tự do ( không có dấu ngắt câu , không viết hoa , không qui định chữ trong mỗi dòng , không có vần ) cả bài được coi như một câu thơ , chỉ chấm câu ở cuối bài thơ .(0.25đ)
Câu 7 Trong đoạn thơ được trích dẫn xuất hiện phép điệp từ và điệp cấu trúc .
- Điệp từ " trên " xuất hiện dầy đặc , và được bố trí đều ở đầu các dòng thơ . Trước hết tạo nên tính nhạc của bài thánh ca cách mạng . Mặt khác từ " trên " còn có tác dụng chỉ không gian và thời gian . Chỉ không gian : trên trang vở , trên bàn học , trên cây xanh , trên đất cát , trên tuyết , trên trang sách , trên gươm đao , trên mũ áo các quan . Chỉ thời gian : trên hình ảnh rực rỡ vàng son . Tên em được viết trên những miền không gian giản dị mà thiêng liêng ( trang sách , trên đất , trên cây , trên gươm đao , trên mũ áo vua quan ) thể hiện khát vọng tự do của con người , được làm chủ không gian sống của mình. Tên em còn được viết trên dòng thời gian mang đậm chất lịch sử ( trên những hình ảnh rực rỡ vàng son ) thể hiện niềm tự hào về những giá trị văn hóa ngàn đời của một dân tộc , đó cũng là biểu hiện của khát vọng tự do . Như vậy điệp từ
"trên" thể hiện không gian sống và thời gian sống mang đậm khát vọng tự do của con người và của cả một dân tộc .
Điệp cấu trúc " tôi viết tên em " được lặp lại ba lần trong ba khổ thơ , tạo nên sắc thái đa nghĩa , nhấn mạnh hoạt động tinh thần thể hiện khát vọng tự do .
+ Tôi vừa mang ý nghĩa cá nhân của chủ thể , vừa mang ý nghĩa đại diện , ta chúng ta , mọi người
+ Viết , nghĩa là ghi chép , ghi nhớ những hành động của con người , của nhân dân đã chiến đấu để gìn giữ tự do cho dân tộc
+ Em, ở đây được hiểu là tự do ,
- Việc điệp lại các câu thơ này nhằm khảng định nhấn mạnh chủ đề của bài thơ : là khát vọng tự do . Dù trên tư cách là học sinh , công nhân , nông dân hay người lính nhà thơ đều hướng về hai chữ tự do . Đây cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân Pháp lúc bấy giờ . Phép điệp tạo nên một giá trị độc đáo khắc ghi chủ đề của cả bài thơ .(0.5đ)
Câu 8 Nhân vật em trong bài thơ được dùng để chỉ tự do - cách gọi ấy làm tăng cảm hứng trữ tình cho bài thơ , gợi lên cảm xúc thân thiết gần gũi , gọi tự do là em như gọi một người con gái thân yêu . (0.25đ)
ĐỀ SỐ 6
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ số 1 đến số 4 .
" Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là phải nói đến sự thống nhất , lặp đi lặp lại có qui luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm , đủ để nhà văn tạo được cho mình một " chân dung tinh thần " riêng . Nhưng sự thống nhất đó không cản trở và cũng không mâu thuẫn gì với sự đa dạng , phong phú vốn cũng là bản chất của phong cách văn học . Do đòi hỏi có tính chất bắt buộc của hoạt động sáng tạo là phải thường xuyên đổi mới và do nhà văn phải không ngừng tiếp xúc , thể hiện cuộc sống phức tạp đầy biến động , nên phong cách nghệ thuật của nhà văn không đơn điệu mà có nhiều nét bổ xung mới mẻ theo từng thời kì sáng tác . Ngoài ra , do áp lực của phong cách thể loại mà sáng tác của các nhà văn trên các thể loại khác nhau mang những nét phong cách khác nhau . Vì tất cả những điều kiện trên , hiện tượng đa phong cách ở một nhà văn là hiện tượng không đến nỗi hiếm trong lịch sử văn học ."
( ngữ văn 12 nâng cao tập I . NXB Giáo dục Việt Nam - Trang 172 )
Câu 1 Vấn đề chính được bàn tới trong đoạn văn là gì ? ( 0,25 điểm )
Câu 2 Đoạn văn đã lí giải những nguyên nhân nào làm nên sự đa dạng , phong phú của phong cách nghệ thuật nhà văn ? ( 0,5 điểm )
Câu 3 Nếu coi câu văn sau đây là một luận điểm " nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn là nói đến sự thống nhất lặp đi lặp lại có qui luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm , đủ để nhà văn tạo được cho mình một " chân dung tinh thần " riêng ". Anh / Chị hãy xây dựng một luận cứ cho phù hợp với luận điểm ( 0,5 điểm )
Câu 4 Khi đọc đến câu " hiện tượng đa phong cách ở một nhà văn là hiện tượng không đến nỗi hiếm trong lịch sử văn học " , anh / chị nghĩ tới nhà văn nào ? vì sao ? ( nhà văn trong chương trình văn lớp 12 ) ( 0,25 điểm )
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ số 5 đến số 8
MỘT NIỀM VUI MỘT NỖI BUỒN
Một niềm vui một nỗi buồn
Nếu phải giữ một mình suốt đời
Bạn có thể chết vì nó
Một điều hiểu một ý nghĩ
Nếu phải giữ một mình suốt đời
có thể làm bạn điên
Cái gánh nặng
Nhìn - nghĩ - yêu thương
Mối hi vọng
Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác
( Nguyễn Đình Thi )
Câu 5 Xác định thể thơ của bài thơ ( 0,25 điểm )
Câu 6 Chỉ ra sự tương đồng về nội dung và cấu trúc của hai khổ thơ đầu . Ý nghĩa của sự tương đồng đó ? ( 0,5 điểm )
Câu 7 Anh / Chị cảm nhận như thế nào về hình thức giản dị và sáng sủa của bài thơ ? ( 0,25 điểm )
Câu 8 Hãy thể hiện sự đồng cảm của mình đối với những điều tác giả muốn chia sẻ (0,5điểm )
..........Hết..........
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 6
Câu 1 Vấn đề chính được bàn tới trong đoạn văn là :
Sự thống nhất mà đa dạng phong phú trong phong cách nghệ thuật của nhà văn . ( 0,25 điểm )
Câu 2 Đoạn văn đã lí giải những nguyên nhân làm nên sự đa dạng phong phú của phong cách nghệ thuật nhà văn là
- Do hoạt động sáng tạo luôn luôn đòi hỏi phải đổi mới .
- Do sự tác động của cuộc sống vốn hiếu động không ngừng
- Do áp lực của phong cách thể loại , từ những thể loại mà nhà văn lựa chọn . ( 0,5 điểm )
Câu 3 Nêu dẫn chứng để làm sáng tỏ thêm luận điểm .
Trong sáng tác của nhà văn Nam Cao ta thấy xuất hiện trở đi trở lại mô típ về các nhân vật bị lưu manh hóa như Chí Phèo, Cu Lộ cùng cách gọi tên các nhân vật như hắn ,y ,thị, đủ để tạo nên một chân dung riêng của nhà văn mà tạo thành phong cách. Hay như nhân vật trung tâm trong các sáng tác của Nguyễn Tuân , dù làm nghề gì thì cũng đều mang phẩm chất tài hoa nghệ sĩ ( 0,5 điểm )
Câu 4 Có thể nghĩ tới tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bởi sáng tác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vừa hiện đại trong truyện và kí viết bằng tiếng Pháp , vừa dân dã trong các bài ca vè , tuyên truyền , vừa cổ điển trong các bài thơ chữ Hán ( 0,25 điểm )
Câu 5 Bài thơ được viết theo hình thức thơ tự do : câu ngắn dài không cố định , không vần , không sử dụng dấu ngắt câu , việc chia khổ tùy theo nội dung cảm xúc , không bắt buộc phải cân nhau về số câu ở mỗi khổ ( 0,25 điểm)
Câu 6 Hai khổ thơ đầu có nội dung và cấu trúc khá giống nhau
- Về nội dung : Mỗi khổ thơ đều nêu các giả định về khả năng bạn có thể chết , hoặc điên vì phải giữ một mình suốt đời một niềm vui , một nỗi buồn , hay một điều hiểu một ý nghĩ.
- Về cấu trúc : Mỗi khổ đều có 3 câu trong đó câu thứ 2 của hai khổ hoàn toàn giống nhau . Hai khổ đều sử dụng mô hình cú pháp nếu ... có thể .
- Sự tương đồng này gây ám ảnh lớn về tính tiêu cực của việc ta giữ kín một mình suốt đời , những vui buồn , những điều hiểu và ý nghĩ . ( 0,5 điểm )
Câu 7 Bài thơ có hình thức thật giản dị , sáng sủa như một lời trò truyện tâm tình giữa những người bạn . Khi đang cần chia sẻ nỗi lòng thì không cần những lời hoa mĩ bóng bẩy , rườm rà . Hơn nữa do tính chất châm ngôn của bài thơ đòi hỏi nó phải tìm đến cách biểu đạt kiệm lời nhưng rõ nghĩa ( 0,25 điểm )
Câu 8 Sống ở trên đời ai cũng cần phải có bạn , có người đồng cảm . Người ta thường nói " niềm vui được chia sẻ , niềm vui nhân đôi ; nỗi buồn được chia sẻ nỗi buồn vơi đi một nửa " ý của bài thơ không hoàn toàn mới nhưng nó đã được nói ra bằng những trải nghiệm sâu sắc của bản thân nhà thơ - nhân vật trữ tình , vì vậy , bài thơ vẫn có sức lay động mạnh . Những động từ mạnh như : chết , điên ,có màu sắc chua chát , chứa đầy tâm tư . Thêm nữa khi nhà thơ gieo hai chữ " hi vọng " ta hiểu đằng sau đó từng có nỗi thất vọng . Quả thực việc thông hiểu nhau giữa người với người đâu phải là chuyện dễ dàng . Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác - chuyện thật tự nhiên mà sao ta cứ phải hi vọng , cứ khắc khoải mong chờ ? ( 0,5 điểm )
ĐỀ SỐ 7
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ số 1 đến số 4
" Đêm hôm ấy lúc trại giam tỉnh sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh , một cảnh tượng xưa nay chưa từng có , đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp , ẩm ướt , tường đầy mạng nhện , đất bừa bãi phân chuột phân gián .
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà , ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ . Khói bốc tỏa cay mắt , làm họ dụi mắt lia lịa .
Một người tù cổ đeo gông chân vướng xiềng , đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván . Người tù viết xong một chữ , viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu vào ô chữ đặt trên phiến lụa óng . Và cái thầy thơ lại gầy gò , thì run run bưng chậu mực . Thay bút con , đề xong lạc khoản , ông Huấn Cao thở dài , buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người đậy và đĩnh đạc bảo :
- Ở đây lẫn lộn . Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người . Thoi mực , thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá . Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không ? Tôi bảo thực đấy , thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở , thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã , rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ . Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi .
Lửa đám cháy rừng rực , lửa rụng xuống nền đất ẩm của phòng giam , tàn lửa tắt nghe xèo xèo
Ba người nhìn bức châm rồi lại nhìn nhau
Ngục quan cảm động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào " kẻ mê muội này xin bái lĩnh " .
( Nguyễn Tuân - chữ người tử tù - ngữ văn lớp 11 )
Câu 1 Thủ pháp nghệ thuật nào đã được tác giả sử dụng để khắc họa cảnh cho chữ ? ( 0,25 điểm )
Câu 2 Trong đoạn trích có một hình ảnh đã trở thành trung tâm điểm của cảnh tượng , xuất hiện hai lần . Theo anh / chị đó là hình ảnh nào ? cho biết ý nghĩa của hình ảnh ấy ( 0,5 điểm )
Câ 3 Theo anh /chị , đoạn văn trên có tạo dựng được một không khí mang màu sắc cổ xưa không ? vì sao ? ( 0,25 điểm )
Câu 4 Viết đoạn văn khoảng 5 câu đánh giá về vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao trong đoạn trích ( 0,5 điểm )
Đọc bài thơ và trả lời câu hỏi từ số 5 đến số 8
NẮNG MỚI
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ me tôi thưở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa .
( Lưu Trọng Lư - Thi nhân Việt Nam )
Câu 5 Cảm xúc chủ đạo của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ là gì ? ( 0,25 điểm )
Câu 6 Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của hai phép tu từ có trong bài thơ . ( 0,5 điểm )
Câu 7 Hình ảnh " nắng mới " trong bài thơ có ý nghĩa gì trong việc thể hiện cảm xúc thơ ( 0,25 điểm )
Câu 8 Cảm nhận của anh / chị về hình ảnh người mẹ trong câu thơ " nét cười đen nhánh sau tay áo " ( 0,5 điểm )
............Hết..............
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 7
Câu 1 Thủ pháp nghệ thuật tương phản . ( tương phản ánh sáng và bóng tối , tương phản giữa người cho chữ và người xin chữ . ) ( 0,25 điểm )
Câu 2 Hình ảnh trở thành trung tâm điểm xuất hiện hai lần trong đoạn trích là hình ảnh bó đuốc tẩm dầu .
- Hình ảnh bó đuốc trở thành ngọn lửa sáng rực xua đi tăm tối ẩm mốc của đề lao, biến đề lao thành nơi rực rỡ để Huấn cao sáng tạo nghệ thuật . Nó thể hiện sự chiến thắng và tỏa sáng của cái đẹp . Nó là sự hòa quyện giữa ánh sáng của lương tri của tài hoa và khí phách khiến ba con người khác xa nhau là thế mà xích lại gần nhau quanh bó đuốc . Bó đuốc thể hiện tài năng và sự sáng tạo đặc biệt của Nguyễn Tuân ( 0,5 điểm )
Câu 3 Đoạn văn dựng lại cảnh tượng cho chữ vẫn mang đậm chất cổ xưa mặc dù cảnh tượng phải chào đời trong một môi trường bất đắc dĩ . Được thể hiện ở việc Nguyễn Tuân đã sử dụng khá nhiều các từ cổ để miêu tả cảnh tượng như ( đề xong lạc khoản , giữ thiên lương , bái lĩnh , đồng tiền kẽm đánh dấu vào ô chữ ) mặt khác cảnh tượng cho chữ , và xin chữ còn là cảnh tượng thuộc thú vui tao nhã của người xưa . ( 0,25 điểm )
Câu 4 1- Vẻ đẹp của Huấn Cao trong cảnh tượng cho chữ thể hiện sự thống nhất của tài hoa , khí phách và thiên lương . 2- Người tù ấy đêm nay trở nên đẹp lồng lộng trong hình ảnh " cổ đeo gông chân vướng xiềng đang tô đậm những nét chữ trên miếng lụa trắng " . 3- Người tù ấy đêm nay được nói những lời thể hiện sự trân trọng một con người mà thiếu chút nữa ông đã phụ lòng " ở đây rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi " đó là lời khuyên ánh ngời hai chữ " thiện lương " . 4- Mặt khác cũng trong đêm hôm nay những con chữ vuông vắn ra đời chứng tỏ bằng tài năng của mình Huấn Cao đã để lại cho đời bức di ngôn bất tử . 5- Quả thật Nguyễn Tuân thật tài hoa khi sáng tạo được một tình huống truyện thể hiện hết vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao . ( 0,5 điểm )
Câu 5 Cảm xúc chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là nỗi nhớ và những kỉ niệm da diết về mẹ , về tuổi thơ ( 0,25 điểm)
Câu 6 Hai phép tu từ có trong đoạn thơ là phép nhân hóa và từ láy ( tu từ nhữ âm ) .
- Phép tu từ nhân hóa trong câu thơ " mỗi lần nắng mới reo ngoài nội " làm cho nắng cũng trở nên có hình có hồn diễn tả một không gian rực rỡ tươi tắn trong nỗi nhớ của tác giả . Nắng mới reo lên hay tiếng lòng của tác giả cứ náo nức thiết tha khi nhớ về mẹ .
- Phép tu từ ngữ âm qua các từ láy " xao xác " " não nùng " "chập chờn " gợi một nỗi buồn dịu nhẹ , một tâm trạng quạnh hiu đầy nhung nhớ của tác giả . (0.5điểm)
Câu 7 Hình ảnh " nắng mới " trong bài thơ vừa là không gian gợi mở những cảm xúc trữ tình của nhà thơ về mẹ vừa là hình ảnh làm cho bóng hình của mẹ hiện lên trong nỗi nhớ thật tươi tắn , ấm áp và sâu đậm hơn trong lòng nhà thơ .(0.25điểm)
Câu 8 Câu thơ đã phác nên một bức họa thật đẹp về người mẹ với sắc màu đường nét đầy sức gợi " nét cười đen nhánh " gợi lại cái vẻ đẹp dân dã , bình dị của người phụ nữ xưa . Ba chữ " sau tay áo " lại thể hiện vẻ đẹp e ấp , kín đáo , dịu dàng . Hình ảnh người mẹ vừa như lấp lánh tỏa sáng , vừa khiêm nhường trong câu thơ .(0.5điểm)
ĐỀ SỐ 9
Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Báo điện tử dân trí ra ngày 21 - 8 - 2014 đưa tin :
Sáng ngày 21-8 cây cầu mang tên " Khuyến học và Dân trí " bắc qua thượng nguồn sông Gianh tại xã Phong Hóa , huyện miền núi Minh Hóa , tỉnh Quảng Bình chính thức khánh thành trong niềm vui khôn tả của bà con nhân dân hai bản Ông Tú và bản Hưng .
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu " Khuyến học và Dân trí " tại bản Ông Tú , nhà báo Phạm Huy Toàn , tổng biên tập báo điện tử Dân trí , giám đốc quỹ khuyến học Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hiện diện của các vị đại biểu và các em học sinh tại buổi lễ .
Tổng biên tập báo Dân trí Phạm Huy Toàn nhấn mạnh tại nơi đây , từ nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến cảnh các cháu học sinh phải bơi qua sông tới trường , rất nguy hiểm đến tính mạng . Qua cuộc vận động trên báo , bạn đọc báo Dân trí đã đóng góp được số tiền hơn 1,3 tỉ đồng . Đây là nguồn đóng góp tự nguyện của đông đáo bạn đọc báo Dân trí trong đó có cả nguồn tiền tiết kiệm của rất nhiều học sinh đồng lứa với các cháu có mặt trong buổi lễ hôm nay số tiền trên đã được chuyển giao tới hội khuyến học tỉnh Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa để bổ sung vào nguồn vốn thực hiện nghị quyết 30a của chính phủ trong ngân sách của huyện Minh Hóa cho dự án xây cầu và làm đường lên từ hai bờ sông tại bản Ông Tú và bản Hưng .
Tổng biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Toàn cũng cho biết , đây là cây cầu thứ 7 có sự đóng góp của bạn đọc báo điện tử Dân trí , được chính quyền địa phương đồng thuận cho mang tên " Khuyến học và Dân trí " . Trước đó , đã có 6 cây cầu " Khuyến học và Dân trí " được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tại các tỉnh Kiên Giang , Hậu Giang , Kon Tum Quảng Nam , Cần Thơ và Thanh Hóa .
( Dẫn theo cầu " Khuyến học và Dân trí " thứ 7 được khánh thành tại Quảng Bình , http : // www.dân tri.com.vn )
Anh / chị hãy bàn luận về cây cầu " khuyến học và Dân trí " được nhắc trong bản tin trên .
........................Hết.....................
Tin liên quan
- MỘT SỐ ĐỀ ÔN TẬP NGỮ VĂN Lớp 10 năm học 2016-2017 (12/04/2017)
- Bài làm văn - Kể chuyện nhập vai (10/03/2016)
- ĐỀ THI THỬ- KỲ THI THPT QUỐC GIA (28/10/2015)
- Đề thi thử THPT quốc gia (28/10/2015)
- TRUYỆN CỔ TÍCH TẤM CÁM DƯỚI GÓC NHÌN CỦA THI PHÁP HỌC (28/10/2015)
- Nguyên Ngọc: VỀ TRUYỆN NGẮN RỪNG XÀ NU (07/10/2015)