Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
Sunday, 17/11/2024 | 17:06

ĐỀ THI THỬ- KỲ THI THPT QUỐC GIA

ĐỀ THI THỬ- KỲ THI THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

 

 

PHẦN I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. (…) Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với chối từ sự tự do của mình… (…)

Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh cho việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

  (…)

(Trích Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức- Nguyễn An Ninh)

 

Câu 1: Xác định thể loại của đoạn văn bản trên? (0,25 điểm)

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 3: Dựa vào đâu mà tác giả cho rằng tiếng mẹ đẻ là nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức? (0,25 điểm)

Câu 4: Bài viết ra đời từ năm 1925, đến nay nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Anh/ chị hãy chỉ ra giá trị thời sự của bài viết? Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng. (0,5 điểm).

 

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 4 đến câu 8

 

BÓNG NẮNG- BÓNG RÂM

Nguyễn Thiện Ý

 

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:

-          Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con. Lúc nắng, mẹ kéo tay con:

-          Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.

 

Con cố.

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

-          Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.

Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội?

Trời vẫn nắng, vẫn râm...

... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

 

Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,25 điểm)

Câu 6: Trong câu chuyện trên bóng nắng và bóng râm có hàm ý như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 7: Nêu nội dung chính của văn bản? (0,5 điểm)

Câu 8: Anh/ chị hãy nhận xét quan niệm của tác giả thể hiện trong câu văn cuối: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên. Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng. (0,25 điểm)

 

PHẦN II. Làm văn (7,0 điểm)

 

Câu 1. (3,0 điểm)

Giáo sư Ngô Bảo Châu, người đã đạt giải Fields (tương đương giải Nô ben về Toán học), sau khi nhận giải đã chia sẻ đại ý rằng: “Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải đạt được giải, nhưng ai cũng có quyền ước mơ đến giải Fields và làm điều gì đó để nâng cao ý nghĩa cuộc sống của mình”.

Viết một bài văn có độ dài khoảng 600 từ bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về lời chia sẻ trên.

 

Câu 2. (4,0 điểm)

Nhận xét về hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Đó là người lao động trí dũng trên sóng nước Đà giang”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật leo thác vượt ghềnh”.

Từ những cảm nhận của mình về hình tượng người lái đò sông Đà, anh/ chị hãy bình luận những ý kiến trên.

..... Hết......

 

 

 

 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT: