Thư viện học tập
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 MÔN NGỮ VĂN
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian giao đề
PHẦN I ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Mỗi khi có dịp tới xem một cuộc chạy marathon, tôi thường không quan tâm lắm tới người vô địch và liệu anh ta có phá được kỉ lục này nọ hay không. Tôi thấy những người về chót thú vị hơn nhiều. Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời truyền hình, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ. Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên khua chổi quét đường.
Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm. Những người về cuối thì họ hiểu rằng họ không có vai trò quan trọng gì trong cuộc thi thố này. Họ chẳng mang lại vinh quang cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân họ phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Vì “như cũ” không phải là điều họ muốn.
Chúng ta hay có xu hướng bám lấy người siêu phàm, những người được cho rằng một tay thay đổi thế giới, mà bỏ qua câu chuyện của những người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta, những kẻ lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon… Bởi vì khi ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác.
…
Điểm chung trong cuộc vật lộn của những con người vô danh này là họ hành động vì họ cho rằng họ cần làm như vậy, không phải vì có người khác nhìn vào họ, trông chờ vào họ hay trao nhiệm vụ cho họ. Họ không đại diện cho ai cả, và có lẽ sự kiên cường của họ đến từ điểm này. Những cuộc marathon bướng bỉnh và điên rồ của những con người bé nhỏ, phần lớn sảy ra âm thầm không ai biết tới.
Nhưng tôi tin rằng, không có họ thì cũng không có thay đổi trong xã hội.
(Theo Đặng Hoàng Giang- Bức xúc không làm ta vô can)
Câu 1. Đặt tiêu đề cho văn bản.
Câu 2. Vì sao khi xem một cuộc thi chạy marathon, tác giả lại không để ý đến những người dẫn đầu?
Câu 3. Trong văn bản trên, những chi tiết nào cho thấy thái độ của số đông với những người về đích sau cùng? Anh/ chị có nhận xét gì về thái độ ấy?
Câu 4. Theo anh/ chị, cái đích mà những người về cuối trong cuộc thi chạy marathon muốn đạt được bằng lòng quyết tâm đầy đau đớn là gì?
PHẦN II LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết đoạn văn có độ dài khoảng 200 chữ, bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến của tác giả văn bản đọc hiểu: không có họ (những con người nhỏ bé mà bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ), thì cũng không có sự thay đổi trong xã hội.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích nghệ thuật khắc họa nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
….Hết….
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
PHẦN I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm.
(2) Bàn về văn hóa đọc hiện nay của người Việt, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, nhà nghiên cứu Dân Tộc, bày tỏ quan điểm: Không nên máy móc cho rằng đọc sách in mới là văn hóa đọc. Khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có nhiều phương thức tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, kiến thức của nhân loại.Tư duy hệ thống là phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn, xem xét, đánh giá đối tượng trong mối tương quan tổng thể với môi trường. Đọc cái gì, bằng phương pháp nào là do mỗi người tự quyết định nhưng không nên chỉ đọc một loại sách vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là "công dân toàn cầu". Ngoài ra, theo PGS, bên cạnh những quyển sách giúp người đọc kỹ năng làm giàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp... vẫn rất cần những quyển sách bàn về đạo đức, trí tuệ cảm xúc cho mỗi con người Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
(3) Mới đây, trong bài phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã trích dẫn những câu thơ "thần" của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời" nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Hay những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: "Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người..." để khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước trong thời kỳ mới. Và những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) cũng được ngài Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu với những ẩn ý sâu sắc: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi".
Nếu không đọc, tìm hiểu về văn hóa, không hiểu biết về lịch sử liệu có làm nên một hiệu ứng đầy năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ đến với Việt Nam hay không? Bởi vậy, để nâng tầm tri thức của cá nhân, mỗi người chúng ta nên bổ sung kiến thức của mình thông qua việc đọc, đọc để hiểu biết, đọc để mình không bị lạc hậu, lỗi thời, đọc để "sánh vai" cùng bè bạn.
Dẫn theo Thanh Vy, http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/201605/ 25-2016
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Trong đoạn (2), tại sao PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc một loại sách?
Câu 3. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý gì?
Câu 4. Theo anh/chị, người viết gửi gắm thông điệp gì qua toàn bộ văn bản trên?
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ đoạn văn (1) trong phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một người phụ nữ liều lĩnh, thiếu lòng tự trọng. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là một người phụ nữ tự trọng, có ý thức về phẩm giá của mình.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng nhân vật người vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
………………Hết…………………
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một thói quen rất kì lạ của loài bọ chét: Khi được cho vào một chiếc hộp có nắp, bọ chét nhảy liên tục lên phía nắp hộp. Ban đầu, những con bọ chét nhảy chạm vào nắp hộp, nhưng dần dần chúng sẽ không nhảy cao nữa, để tránh chạm vào nắp. Đơn giản là do đập đầu vào nắp hộp thì khá đau nên chúng sẽ tự động nhảy thấp hơn.
Đến khi cái nắp được nhấc ra, bọ chét vẫn tiếp tục nhảy, nhưng không hề nhảy ra ngoài hộp. Chúng không thể.Vì chúng đã tự đặt cho mình giới hạn chỉ nhảy cao đến mức đó thôi.
Đó là chuyện bọ chét. Nhưng nó cũng khiến chúng ta liên tưởng đến con người. Không ít lần, vì muốn tìm kiếm sự yên ổn, vì thiếu can đảm, vì sợ tổn thương, chúng ta đã tự hạn chế khả năng của mình. Chúng ta chỉ muốn hoàn thành công việc ở một mức độ an toàn, vừa phải, và không quá đột phá. Ta quên mất rằng, khi tự giới hạn năng lực của bản thân, chúng ta sẽ không đạt được mức mà có lẽ chúng ta có thể đạt đến, vì cứ ngỡ mình đã làm hết khả năng rồi. Và cứ thế, khả năng của chúng ta sẽ không có điều kiện được phát triển đúng mức.
(Nguồn: Hạt giống tâm hồn, tập 5)
Câu 1. Xác định vấn đề chính được nêu trong văn bản trên?
Câu 2. Văn bản sử dụng các thao tác lập luận nào?
Câu 3. Kể tên và nêu tác dụng của phép tu từ được dùng trong câu văn: “Không ít lần, vì muốn tìm kiếm sự yên ổn, vì thiếu can đảm, vì sợ tổn thương, chúng ta đã tự hạn chế khả năng của mình.”?
Câu 4. Vì sao văn bản trên cho rằng: “khi tự giới hạn năng lực của bản thân, chúng ta sẽ không đạt được mức mà có lẽ chúng ta có thể đạt đến”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1(2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề gợi ra từ văn bản ở phần Đọc hiểu
Câu 2(5,0 điểm)
Vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành )
--------Hết--------
ĐỀ ÔN TẬP THPT QUỐC GIA 2016-2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
I/ ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Sau khi điện thoại Bphone – sản phẩm công nghệ đầu tiên của người Việt Nam được nhà sản xuất BKAV giới thiệu là “chiếc điện thoại thông minh”, “siêu phẩm hàng đầu thế giới”… thì đã gặp không ít những dư luận trái chiều, chính người Việt chê bai sản phẩm của người Việt. Thậm chí có người còn đưa ra trò đùa quái ác, cụ thể là có thành viên trên cộng đồng mạng, sau khi nói những lời lẽ mang tính chất dìm hàng Việt không thương tiếc, anh ta đã đăng tải lên Facebook hình ảnh hóa đơn xác nhận việc anh hủy đặt mua 5 chiếc Bphone (phiên bản Mạ vàng 24K-128 GB) trị giá tổng 112.045.000 VND như một “chiến tích” để đời. Không những vậy, người này còn kêu gọi nhiều người khác làm theo hành động của mình. Một thanh niên khác cũng coi việc đặt mua và hủy đơn hàng điện thoại Bphone là một trào lưu giải trí và cũng bày “kinh nghiệm” cho những ai muốn tham gia quấy phá sản phẩm của hãng BKAV.
Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng Bphone là niềm tự hào của người Việt Nam, nếu có điều kiện nên mua hàng Việt, thay vì chỉ trích hãy ủng hộ khuyến khích…
(Nguồn Intenet)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chức năng của văn bản trên?
Câu 2: Suy nghĩ của anh/chị về hành động “chọc phá” của một số người trong đoạn trích đó?
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của không ít người “Bphone là niềm tự hào của người Việt” không? Tại sao?
Câu 4: Thông điệp gợi ra từ ý kiến: Nếu có điều kiện nên mua hàng Việt?
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ văn bản trong phần Đọc hiểu nói trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Văn hóa chỉ trích của người Việt.
Câu 2 (5,0 điểm)
Bàn về tác phẩm "Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, có ý kiến cho rằng : "Nhân vật Việt vừa là một con người hồn nhiên, ngây thơ, vừa là một người con, người cháu và người em tình nghĩa, đồng thời là một chiến sĩ trẻ gan dạ, anh hùng, ý thức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để trả thù nhà đền nợ nước. Việt là khúc sông vươn xa hơn trong dòng sông truyền thống của gia đình". Anh chị hãy phân tích để làm sáng tỏ ý kiến trên.
……Hết….
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian giao đề
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
TỰ SỰ
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
Nguyễn Quang Hưng
Câu 1. Xác định 2 phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:
" Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:
" Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta”
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
PHẦN II. LÀM VĂN(7,0 điểm)
Câu 1.(2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:
" Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”
Câu 2.(5,0 điểm):
Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
… Hết….
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA 2017
MÔN : NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian giao đề
I . PHẦN ĐỌC HIỂU ( 3,0 Điểm )
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Thời gian
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước
( Văn Cao , Lá - NXB Hà Nội )
Câu 1 Bài thơ chia làm hai phần. Hãy xác định nội dung chính của từng phần.
Câu 2 Anh / chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai từ còn xanh trong hai câu thơ:
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Câu 3 Xác định một thủ pháp nghệ thuật mà anh/ chị cho là đặc sắc nhất của bài thơ trên. Phân tích giá trị của thủ pháp nghệ thuật ấy.
Câu 4 Bài thơ đã đem đến cho anh / chị thông điệp nào về cuộc sống?
II . PHẦN LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Câu 1 ( 2,0 điểm)
Bằng đoạn văn khoảng 200 từ hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa cuộc sống mà nhà thơ gửi gắm trong những câu thơ sau:
" Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước
Câu 2 ( 5,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của anh/ chị về những quan niệm sống của nhân vật Hồn Trương Ba được gửi gắm qua đoạn trích sau:
…" Đế Thích: Ông Trương Ba! ( thấy vẻ nhợt nhạt của hồn Trương Ba) Ông có ốm đau gì không? Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá, không xuống đánh cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi, đoán là ông có chuyện khẩn, tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?
Hồn Trương Ba: ( sau một lát ) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích : Sao thế? có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
Đế Thích : Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống. Nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết!”
( Trích Hồn Trương Ba da hàng thịt - Lưu Quang Vũ )
.........HẾT..........
ĐỀ ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA 2017
Môn Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
“Ai có thể đếm được đã bao năm tháng, bao đời người đã đi qua mà cái Tết về đại thể vẫn là một?
Tết gia đình.
Tết dân tộc.
Tết đậm đà phong vị cộng đồng, quãng giải lao giữa hai chặng đường vất vả, gian nan.
Vẫn là ngày hăm ba cúng ông Táo, đêm ba mươi cúng tất niên, hái cành lộc. Vẫn là ngày mồng một he hé cửa đón đợi người xông nhà, dặn dò nhau ý tứ giữ gìn kiêng cữ cho khỏi dông cả năm dài. Ngày đầu xuân, cơm nguội không rang để cho đời khỏi khô kháo, nhà không quét cho tài lộc khỏi thất tán. Vẫn là mùi hương hoa ngan ngát nơi bàn thờ ấy. Vẫn là làn không khí mới mẻ, hơi bỡ ngỡ, trịnh trọng ấy. Vẫn những gương mặt cởi mở, chan hoà giữa khung cảnh trời đất tươi đẹp vì được niềm phấn chấn của con người thâm nhập giao hoà.”
( Trích Mùa lá rụng trong vườn-Ma Văn Kháng)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2 : Hãy liệt kê 5 hình ảnh được tác giả sử dụng để nói về Tết trong đoạn văn trên. Hãy nhận xét về những hình ảnh đó?
Câu 3 : Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn trên là gì? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
Câu 4 : Đoạn văn trên khẳng định những nét đẹp nào của ngày Tết?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm) :
Câu 1 (2,0 điểm)
Tác giả viết: “Tết là quãng giải lao giữa hai chặng đường vất vả và gian nan”. Theo em, ý nghĩa ngày Tết có thể hiểu như vậy được không? Hãy trình bày ý kiến của mình bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ.
Câu 2 (5,0 điểm)
Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
…Hết….
+
PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT: