Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
18/06/2023 | 20:04 - Lượt xem: 1049

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT THĂNG LONG GIAI ĐOẠN 2021-2026, TẦM NHÌN 2030

          Để thực hiện đường lối đổi mới giáo dục, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số  88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đòi hỏi các cơ sở giáo dục nói chung và các trường THPT nói riêng phải xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển của từng nhà trường trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.

           Trường THPT Thăng Long được thành lập năm 1965 theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Trường nằm trên địa bàn phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đến nay (tháng 9 năm 2020) trường THPT Thăng Long đã có gần 55 năm xây dựng và trưởng thành.

          Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích tốt đẹp đã đạt được cùng những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người, trường THPT Thăng Long  đã nhiều năm được công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động Xuất Sắc”. Trường vinh dự được Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Ba. Trường vinh dự là 1/7 trường của toàn quốc được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD & ĐT, Trường vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội tặng cờ: Đơn vị xuất sắc dẫn đầu khối trung học phổ thông ngành giáo dục Thủ đô. Trường nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND quận Hai Bà Trưng. Trên cơ sở đó, Trường THPT Thăng Long xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn đến năm 2030  tiếp nối của chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2016 và 2016-2021 trước đây.

          Kế hoạch phát triển nhà trường giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn 2030 nhằm xác định rõ định hướng mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hiệu trưởng, Ban giám hiệu cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai Kế hoạch chiến lược của trường THPT Thăng Long là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo của Thủ đô giai đoạn 2021-2026 và Chiến lược phát triển Giáo dục và Đào tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2026.

I. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC TRẠNG NHÀ TRƯỜNG

     1. Bối cảnh trong nước và Quốc tế

1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực (bên ngoài).

          Trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế phát triển, các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Úc,… đã có một nền giáo dục tiên tiến và phát triển, môi trường học tập tốt và nhiều cơ hội phát triển đã thu hút các học sinh, sinh viên giỏi trên khắp thế giới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với ngành giáo dục.

          Ở Đông Nam Á - khu vực chủ yếu có các nước có nền kinh tế đang phát triển cũng có một số nước có nền giáo dục tương đối phát triển, thu hút nhiều du học sinh nước ngoài như: Singapore, Malaysia, Philipines…

          Trước tình hình thế giới và khu vực như trên, giáo dục Việt Nam nói chung cũng như trường THPT Thăng Long nói riêng đều nhận thấy rất nhiều cơ hội để phát triển và cũng không ít thách thức. Do đó, việc thực hiện đổi mới cũng như cách thức quản lý trong giáo dục luôn là vấn đề cấp thiết phải được đặt lên hàng đầu.

          Để thực hiện được nhiệm vụ này, trường THPT Thăng Long cần phải xây dựng một bản kế hoạch chiến lược đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và đáp ứng được xu thế phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới.

1.2. Bối cảnh trong nước

          Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và tăng cường đầu tư cho giáo dục với mong muốn giáo dục nước ta thực sự đủ sức gia nhập cùng nền giáo dục thế giới.

          Vài năm trở lại đây, nước ta đã xây thêm rất nhiều ngôi trường, đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ cho giáo dục với nhiều hình thức giáo dục đào tạo như đào tạo theo mô hình quốc tế, liên kết với nước ngoài, trường ngoài công lập, trường Chất lượng cao…

          Đây cũng là thách thức cho nhà trường nếu không kịp đổi mới môi trường giáo dục để có thể thu hút được đông học sinh trong khu vực và những học sinh giỏi vào học tại trường.

     2. Đặc điểm tình hình nhà trường

2.1. Đặc điểm tình hình

               2.1.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên: 95 cán bộ giáo viên (BGH: 03; Giáo viên: 85; Văn phòng: 07 (gồm 01 văn thư, 01 nhân viên thư viện, 01 nhân viên thiết bị, 01 kế toán, 03 bảo vệ).

- Về chất lượng đội ngũ: 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn đào tạo, trong đó trên chuẩn có 02 Tiến sĩ, 48 Thạc sỹ (Ban giám hiệu đạt trình độ trên chuẩn 100%), trong đó Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh/Thành phố có 34 giáo viên đạt tỷ lệ 40%.

     2.1.2. Học sinh, chất lượng đào tạo

- Tổng số lớp hiện nay: 45.

Chất lượng học sinh trong 05 năm 2015 -2020:

Số lớp học

Số lớp học

Năm học

2015-2016

Năm học

2016-2017

Năm học

2017-2018

Năm học

2018-2019

Năm học

2019-2020

Khối lớp 10

14

14

14

15

15

Khối lớp 11

14

14

14

14

15

Khối lớp 12

14

14

14

14

14

Cộng

42

42

42

43

44

Kết quả học tập và rèn luyện tu dưỡng đạo đức

Số liệu

Năm học

2015-2016

Năm học

2016-2017

Năm học

2017-2018

Năm học

2018-2019

Năm học

2019-2020

Tỉ lệ HSG

65,75%

75%

74,3%

76,7%

80,51%

Tỉ lệ HSK

33,8%

24,8%

25,2%

24,07%

18,86%

Tỉ lệ HS TB

0,45%

0,2%

0,5%

0,23%

0,63%

Tỉ lệ HS hạnh kiểm Tốt

97,03%

97,4%

97,5%

97,07%

98,95%

Tỉ lệ HS hạnh kiểm Khá

2,92%

2,4%

2,5%

2,93%

1,05%

Tỉ lệ HS hạnh kiểm Trung bình

0,05%

0,2%

0

0

0

Tỉ lệ HS

tốt nghiệp THPT

100%

100%

100%

100%

100%

Học sinh Giỏi các cấp

 

Năm học

2015-2016

Năm học

2016-2017

Năm học

2017-2018

Năm học

2018-2019

Năm học

2019-2020

HSG Cấp Cụm

189

196

186

185

0

HSG Thành phố

28

27

12

17

20

HSG Quốc gia

 

 

 

1

 

INTEL ICEF QG

1

1

2

1

2

Cấp Quốc tế

1

 

 

 

2

          Các hoạt động thể thao cũng như các hoạt động đoàn thể khác đạt nhiều thành tích đáng kể. Ví dụ, năm học 2018-2019: Kết quả thi đấu TDTT: 16 HC Cấp Thành phố: 5 HC Vàng, 5 HC Bạc, 6 HC Đồng; 8 HC Cấp Quận: 3 HC Vàng, 3 HC Bạc, 2 HC Đồng. Tham gia các cuộc thi của Thành đoàn, Sở GD&ĐT Hà Nội, Quận Đoàn tổ chức: Cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” – Giải Nhì Cấp TP.  Cuộc thi “Nét đẹp Tràng An” Cấp Quận đạt Giải Nhì. Thi Dịch vụ công trực tuyến đạt Giải Nhì. Cuộc thi Pháp luật đạt Giải Ba. Cuộc thi trò chơi dân gian trong Ngày Hội Hai Bà Trưng đạt 1 giải Nhất, 2 giải Ba. Cuộc thi tài năng cấp Quốc gia lọt vào vòng ĐỐI ĐẦU chương trình “GIỌNG HÁT VIỆT 2019”; Học sinh đạt giải “Hoa Hậu tài năng” cuộc thi “Duyên dáng toàn cầu 2019” tại Thái Lan. Năm học 2019-2020, có 2 học sinh đạt giải cấp Quốc tế: 1 học sinh đạt HC Vàng Olympic Khoa học sáng tạo ICPC tổ chức tại Hàn Quốc; 1 học sinh  đạt HC Bạc Giải thưởng Sáng tạo trẻ Quốc tế tổ chức tại Indonesia.

     2.1.3. Cơ sở vật chất

1. Khuôn viên, cảnh quan, môi trường sư phạm

- Diện tích trường: 4.900m2 đạt: 5,2 m2/1 HS (sau khi đã chồng tầng)

- Diện tích sân chơi: 800 m2 đạt: 1m2/1 HS

- Cảnh quan nhà trường: Cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, các khẩu hiệu tuyên truyền, cây xanh và bồn hoa được bố trí, chăm sóc hợp lý.

- Môi trường sư phạm: Đảm bảo tốt môi trường sư phạm:  ”Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thân thiện”.

2. Phòng học

- Số lớp học: 45; Số phòng học: 23; Số học sinh: 1920; Tỷ lệ HS/lớp: 43,6 HS/1 lớp.

- Diện tích phòng học: 60 m2; đạt: 1,38 m2/1 học sinh

- Bố trí ánh sáng phòng học: 12 bộ đèn led đôi (24 bóng). Đủ điều kiện ánh sáng theo tiêu chuẩn qui định về ánh sáng học đường.

- Nhiệt độ: Có điều hòa 2 chiều, tùy chỉnh nhiệt độ theo mùa.

- Các trang thiết bị khác trong phòng học: 01 máy chiếu, 01 máy tính, 04 loa trợ giảng, tủ rack, 02 máy điều hòa, hệ thống quạt đạt tiêu chuẩn, 01 giá để nước, 01 bảng đen, 01 đồng hồ, 02 bảng fooc, khẩu hiệu, ảnh Bác, 24 bộ bàn ghế.

3. Phòng chức năng, phòng bộ môn, khu giáo dục thể chất

- Có đủ các phòng chức năng: phòng bộ môn, phòng thí nghiệm, nhà thể chất và sân tập đảm bảo cơ bản các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh.

- Mỗi bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều có 01 phòng thực hành với diện tích 60m2 + 15m2 phòng chuẩn bị.

- Các phòng thí nghiệm thực hành được trang bị đầy đủ bàn ghế để phục vụ thực hành theo chương trình của Bộ, các phòng đều được trang bị máy chiếu (Projector), bàn thí nghiệm, hệ thống điện, nước, ánh sáng, đảm bảo an toàn.

- Có 3 phòng tin học mỗi phòng với 26 máy tính hoạt động ổn định, đảm bảo học sinh thực hành cơ bản.

- Có 1 phòng ngoại ngữ được trang bị đủ bàn ghế, loa đài, máy chiếu... phục vụ nhu cầu học Tiếng Anh nâng cao cho học sinh các lớp có nhu cầu.    

- Nhà Thể chất với diện tích 320m2, có sân tập đáp ứng được nhu cầu học tập và rèn luyện thể chất; nhà thể chất còn là nơi sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nơi thi đấu các bộ môn thể dục, thể thao, đồng thời có thể dùng tập trung học sinh khi thời tiết xấu. Tuy nhiên nhà thể chất đang xuống cấp, dụng cụ tập luyện còn ít)

4. Thư viện

- Diện tích thư viện: 75mtrong đó phòng đọc cho HS: 45 m2, cho GV: 30 m2.

- Hoạt động của thư viện: Tốt, hiệu quả cao.

- Đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh.

- Hàng năm, trường đều bổ sung trang thiết bị, đầu sách, tài liệu để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh và giáo viên. Thư viện đạt chuẩn.

5. Trang thiết bị và đồ dùng dạy học

- Đủ trang thiết bị văn phòng:  Đủ. Số máy tính 04, máy photocopy 01, máy projector: 01.

- Số lớp học có máy projector: 22.

- Số lớp học có máy tính: 22.

- Số lớp học có hệ thống loa trợ giảng: 22.

- Số lớp học có ti vi LCD: 0.

- Số lớp học được trang bị bảng tương tác thông minh: 0.

- Bàn, ghế học sinh đồng bộ, đạt tiêu chuẩn: 24 bộ/lớp: Đầy đủ, đạt tiêu chuẩn.

- Hiệu quả sử dụng: Tốt.

6. Hệ thống công nghệ thông tin và hiệu quả hoạt động

- Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet đáp ứng yêu cầu quản lý dạy và học; có Website: www.thptthanglonghanoi.edu.vn; thông tin trên mạng Internet hoạt động thường xuyên, hỗ trợ hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường.

- Ngoài ra trường còn được trang bị các phương tiện phòng chống cháy nổ, có cổng thoát hiểm đủ chiều cao cho xe cứu hỏa vào, ra, các phương án phòng chống cháy nổ được tập huấn, triển khai và được Công an phòng cháy chữa cháy phê duyệt và kiểm tra hàng năm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho giáo viên và học sinh.

- Ứng dụng thông tin trong quản lý và dạy-học: 100%

2.2. Điểm mạnh

     2.2.1. Công tác quản lý và điều hành của Ban giám hiệu             

- Ban giám hiệu là một tập thể đoàn kết, có tầm nhìn khoa học, sáng tạo. Trong công tác chỉ đạo, điều hành luôn chủ động có kế hoạch cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

- Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới. Khi thực hiện, luôn chủ động điều chỉnh kế hoạch kịp thời sát với thực tế. Được sự tin tưởng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và cha mẹ học sinh nhà trường.

     2.3.2. Đội ngũ giáo viên, nhân viên

- Là một tập thể đoàn kết, nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường, mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

- Trong công tác chấp hành tốt kỷ luật lao động, qui chế chuyên môn; năng động, sáng tạo có tinh thần chia sẻ và hợp tác với đồng nghiệp, có ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm "Phát triển năng lực của người học".

     2.3.3. Chất lượng đào tạo

- Tỉ lệ học sinh giỏi tăng, học sinh có hạnh kiểm tốt đạt cao và ổn định.

- Công tác bồi dưỡng đại trà và bồi dưỡng mũi nhọn được quan tâm đúng mức, có kết quả ổn định.

     2.3.4. Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trong việc dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

     2.3.5. Thành tích nổi bật

- Trong những năm học gần đây nhà trường luôn có các cá nhân và tập thể  được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh; Công đoàn Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đoàn thanh niên được TW Đoàn và Thành Đoàn tặng giấy khen.

- Nhà trường đã khẳng định được vị trí đi đầu trong ngành giáo dục Hà Nội, được học sinh và cha mẹ học sinh tin cậy.

2.4. Điểm hạn chế

     2.4.1. Công tác quản lý của Ban giám hiệu

           Đôi lúc Ban giám hiệu giải quyết sự việc còn mang tính cả nể, duy tình.

     2.4.2. Đội ngũ giáo viên, nhân viên

          Một bộ phận nhỏ cán bộ, giáo viên, nhân viên việc tự học, tự bồi dưỡng còn có nhiều hạn chế, chậm đổi mới, hiệu quả giáo dục chưa cao.

          Trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học một số giáo viên còn thấp, đây là trở ngại rất lớn trong việc cập nhật thông tin, tri thức trên các phương tiện truyền thông và tiếp cận những cái mới của khu vực và trên thế giới.

     2.4.3. Chất lượng học sinh

          Một số học sinh chưa xác định được động cơ học tập và rèn luyện đúng đắn, còn vi phạm nội qui.    

     2.4.4. Cơ sở vật chất

          Diện tích sân chơi cho học sinh còn hạn chế, khu nhà đa năng, thể chất còn nhỏ chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập tối thiểu. Thư viện chưa đạt thư viện tiên tiến.

2.5. Thời cơ và thuận lợi

          Đảng và nhà nước rất quan tâm đến giáo dục thể hiện qua việc ban hành các nghị quyết liên quan đến giáo dục như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số  88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Quận Hai Bà Trưng là một trong các quận trung tâm của thủ đô Hà Nội có tốc độ tăng dân số cơ học cao nên nhu cầu học sinh giáo dục chất lượng cao rất lớn và ngày càng tăng

- Nhà trường nằm ở Quận Hai Bà Trưng - nơi có nhiều trường Đại học lớn  như: Đại học Bách khoa, đại học KTQD, đại học Xây dựng…

- Nhà trường đã có bề dày truyền thống gần 55 năm, đã có sự tín nhiệm của các thế hệ học sinh, cha mẹ học sinh trong khu vực và vùng lân cận. Trong nhiều năm liền luôn là đơn vị dẫn đầu trong nền giáo dục thủ đô.

- Nhà trường được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành của Quận và Thành phố.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sự phạm tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu đổi mới và hội nhập.

2.6. Thách thức

- Đòi hỏi ngày càng cao với nhà trường về chất lượng giáo dục của học sinh, CMHS và xã hội trong thời kỳ hội nhập; thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, Với Hàn Quốc, với các nước EU, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TTP.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

- Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

- Yêu câu về đổi mới “căn bản và  toàn diện giáo dục và đào tạo” theo nghị quyết 29 của BCHTW khóa XI tạo áp lực lớn đến các nhà trường và ngành giáo dục.

- Các trường THPT trên địa bàn cũng không ngừng phát triển về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo nên sự cạnh tranh lớn giữa các trường.

2.7. Xác định các vấn đề ưu tiên

- Kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của Ban giám hiệu theo hướng chuyên biệt hoá với sự phân công phụ trách các mảng công việc. Xây dựng nền nếp làm việc khoa học, chủ động trong nhà trường.

- Nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

- Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy năng lực, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

- Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và trong dạy - học.

- Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy.

- Tăng cường chương trình giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm cho học sinh; tạo nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để học sinh có điều kiện thích ứng và hoà nhập. Tăng cường trao đổi, hợp tác và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

- Quản lý nhà trường theo bộ tiêu chuẩn đánh giá trường phổ thông.

- Hoàn thiện đề án Trường THPT Chất lượng cao.

II. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỦA NHÀ TRƯỜNG

     1. Tầm nhìn

          Trở thành một ngôi trường có chất lượng cao, giáo dục ra những học sinh tốt về đạo đức, giỏi về trí lực, mạnh khỏe về thể chất, có kỹ năng sống tốt, trở thành những công dân toàn cầu; sẽ là nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn lên, là nơi Hội tụ - Tỏa sáng.

     2. Sứ mệnh

          Tạo dựng được môi trường làm việc, học tập và rèn luyện Dân chủ - Đoàn Kết – Kỷ cương – Trí tuệ - Đổi mới để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực của bản thân.

     3. Giá trị cốt lõi          

- Lòng nhân ái, lòng tự trọng, lòng vị tha;

- Tính đoàn kết, tính trung thực;

- Sự hợp tác, tinh thần trách nhiệm;

- Tính sáng tạo, khát vọng vươn lên;

- Tính kiên trì; Năng động; Hòa nhập.

III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG

     1. Mục tiêu chung

          “Xây dựng môi trường làm việc và học tập khoa học, đậm chất nhân văn”

          Xây dựng và củng cố danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Xây dựng và hoàn thành đề án Trường Chất lượng cao, trở thành ngôi trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

     2. Mục tiêu riêng

          Giáo dục và giảng dạy cho học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng của tất cả các môn học phổ thông; biết cách giải quyết các vấn đề một cách độc lập, sáng tạo; biết cách học và tự học; có ý thức tự giác, thật thà, thân thiện, hoà nhập và chia sẻ; có phong cách và lối sống đẹp phù hợp với truyền thống dân tộc và hiện đại, trở thành những công dân toàn cầu.

     3. Mục tiêu cụ thể

3.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên

- Đảm bảo đủ biên chế được giao về đội ngũ nhà giáo, nhân viên là 99. Trong đó Ban giám hiệu có 4 đồng chí, nhân viên 7 người.

- Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá, giỏi 100%.

- Giáo viên sử dụng thành thạo máy tính phục vụ cho giảng dạy và học tập, có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định

- Số tiết dạy sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin > 50%.

- Có trên 70% giáo viên có trình độ Thạc sỹ, trên 40% giáo viên Giỏi Thành phố.

3.2. Học sinh

* Qui mô:

- Lớp học: 45 lớp

- Học sinh: 1900 học sinh

* Chất lượng học tập, rèn luyện:

- Xếp loại đạo đức Khá, Tốt: 100%; học sinh được trang bị kỹ năng sống cơ bản, tích cực, tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện;

- 100% học lực Khá, Giỏi (trong đó trên 75% Giỏi).

- Thi học sinh Giỏi Thành phố đạt nhiều giải cá nhân, có học sinh đạt giải Quốc gia.

- Đề tài INTEL ICEF nhiều giải Thành phố, Quốc gia và Quốc tế.

- Chương trình giáo dục STEM được nhân rộng.

- Học sinh lớp 12 TNTHPT: 100%;

- Thi đỗ Đại học: trên 95%.

3.3. Cơ sở vật chất

- Cơ sở vật chất đạt yêu cầu của trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ dạy-học nhằm nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

- Từng bước bổ sung phòng học chuyên môn, thiết bị dạy học, thư viện, cơ sở vật chất khác theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu trường Chất lượng cao, bảo quản và sử dụng hiệu quả, lâu dài.

- Xây dựng nhà trường: Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Hạnh phúc, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

     4. Phương châm hành động

          “Xây dựng một môi trường làm việc và học tập khoa học, đậm chất nhân văn”

IV. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

     1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong giáo dục học sinh:

          Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học đi đôi với hành, lý thuyết đi đôi với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

          Sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh. Các Phương pháp dạy học kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại như: Sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại. Các phương pháp mới như:

1. Khảo sát, điều tra;

2. Thảo luận: thảo luận nhóm, thảo luận nhóm ghép đôi, thảo luận chung toàn lớp;

3. Động não;

4. Tranh luận;

5. Báo cáo (chuẩn bị báo cáo, xây dựng báo cáo, thuyết trình trước tập thể lớp), …

6. Phương pháp dạy hoc theo dự án,

7. Phương pháp dạy học tổ chức trò chơi,

8. Phương pháp dạy học đóng vai

9. Phương pháp nghiên cứu khoa học,

          Sử dụng Phương tiện dạy học theo hướng đề cao vai trò chủ thể nhận thức của học sinh. Bên cạnh các Phương tiện dạy học truyền thống như tranh ảnh, hình vẽ, bản đồ, sơ đồ, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo, mô hình, hiện vật,… là những thiết bị kỹ thuật hiện đại trong dạy học như: phim video giáo khoa, máy chiếu Overhead, máy vi tính, Projector, màn hình thông minh...

          Phối hợp các hình thức dạy học một cách linh hoạt: Dạy học trong lớp như dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp; dạy học ngoài lớp như tham quan, khảo sát, ngoại khoá…

          Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học; bám chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh qua nhà trường, thông qua cha mẹ học sinh và sự tự đánh giá lẫn nhau của học sinh

          Tích cực bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho học sinh tham dự thi THPT Quốc gia đạt hiệu quả cao.

          Người phụ trách: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.

     2. Xây dựng và phát triển đội ngũ

          Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên.

          Hàng năm xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhằm nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Chú trọng đào tạo nâng chuẩn; mở các lớp bồi dưỡng tại đơn vị và khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng.

          Tích cực tham gia các hội thi cấp Cụm trường và Thành phố; tích cực giao lưu học hỏi các đơn vị điển hình trong và ngoài thành phố,... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

          Làm tốt công tác qui hoạch cán bộ, phân công sắp xếp đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường. Tập trung ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ.

          Xây dựng nhà trường đạt chuẩn cơ quan văn hoá, thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong nhà trường, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Người phụ trách: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn

     3. Xây dựng Cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ …

          Thường xuyên bảo dưỡng, tu sửa và phát huy tác dụng cơ sở vật chất hiện có; chú trọng xây dựng nhà trường “xanh, sạch, đẹp”.

          Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, hiện đại đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, đặc biệt là yêu cầu của trường THPT Chất lượng cao.

          Tham mưu với các cấp để được đầu tư sửa chữa bổ sung phòng học bộ môn, trang bị các phương tiện, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất khác hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.

          Luôn bám theo chuẩn cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia, trường THPT Chất lượng cao để bổ sung cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia cho phát triển bến vững. Hướng tới xây dựng nhà trường ngày càng thân thiện, học sinh ngày càng tích cực.

          Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất; kế toán, nhân viên thiết bị.

     4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

          Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử…Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng thành thạo máy tính phục vụ cho công việc, có kế hoạch mua sắm máy tính xách tay trang bị cho các tổ chuyên môn, khuyến khích cán bộ giáo viên tự trang bị máy tính xách tay.

          Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, bộ môn tin học.

     5. Huy động mọi nguồn lực để phát triển nhà trường

* Nguồn nhân lực:

          Bao gồm toàn bộ lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ, nhân viên với năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của từng người tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

          Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, là vốn quí nhất để phát triển nhà trường. Nhà trường cần có giải pháp tốt nhất để tập hợp, tạo cơ hội cho mọi thành viên của trường phát huy hết năng lực sở trường, khả năng sáng tạo trong hoạt động xây dựng mức độ tín nhiệm của nhà trường.

* Nguồn lực tài chính:

- Ngân sách nhà nước hàng năm;

- Từ nguồn giảng dạy, dịch vụ của nhà trường;

- Nguồn lực từ gia đình học sinh, học sinh hàng năm;

- Nguồn lực từ Xã hội hoá giáo dục: Từ các thế hệ học sinh, phụ huynh học sinh của nhà trường; Các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường; Từ các doanh nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm yêu quý nhà trường,…

* Nguồn lực vật chất hữu hình và vô hình:

- Khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, thư viện, phòng làm việc và các công trình phụ trợ khác.

- Trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ giảng dạy, công nghệ phục vụ quản lý, giảng dạy, học tập, …

- Truyền thống và tín nhiệm trong giáo dục của nhà trường suốt gần 55 năm qua.

* Nguồn lực thông tin:

          Là những dữ liệu đã được phân tích và xử lý để phục vụ cho việc ra quyết định hoặc giải quyết các nhiệm vụ nhằm phát triển nhà trường. Thông tin vừa là yếu tố đầu vào, vừa là nguồn dự trữ tiềm năng cho nhà trường.

          Hệ thống thông tin bao gồm thông tin về mục tiêu, chương trình kế hoạch dạy học; về học sinh; về giáo viên; về các vấn đề tài chính; về cơ sở vật chất của nhà trường; về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương,…Thông tin xuôi và ngược; thông tin trên và dưới; thông tin trong-ngoài; thông tin ngang; thông tin vĩ mô, thông tin vi mô, …

* Người phụ trách: Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh.

     6. Xây dựng “thương hiệu”

- Xây dựng “thương hiệu”, tín nhiệm của nhà trường với xã hội;

- Xác lập tín nhiệm “thương hiệu” đối với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và Cha mẹ học sinh.

- Tích cực xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của nhà trường.

- Tiếp tục quảng bá logo; bài hát truyền thống; từng bước hoàn thiện bài giảng về truyền thống nhà trường; tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống của nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Xây dựng và đưa “quy tắc ứng xử” vào nhà trường để giáo dục học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.

     7. Quan hệ với cộng đồng

- Xây dựng và phát triển các mối quan hệ tốt với các tập thể, các cá nhân thuộc đơn vị bạn; các cơ quan, đơn vị kinh tế, văn hoá, chính trị-xã hội, doanh nghiệp ở địa phương,… để làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục.

- Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương, khu dân cư để làm tốt công tác tuyên truyền thương hiệu, giáo dục truyền thống, …

     8. Lãnh đạo và quản lý

- Lãnh đạo toàn diện, ưu tiên cho những mục tiêu trọng điểm, lĩnh vực ưu tiên.

- Đảm bảo chất lượng giảng dạy, các điều kiện phục vụ giảng dạy của nhà trường đạt theo quy định của trường chuẩn quốc gia.

- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm.

- Huy động ngày càng nhiều hơn nguồn lực của nhà nước và xã hội để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.

- Đẩy mạnh Tin học hoá tất cả hoạt động của nhà trường;

- Phân công trách nhiệm cụ thể, toàn diện các mặt công tác.

V. TỔ CHỨC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC

     1. Phổ biến Kế hoạch chiến lược

          Tuyên truyền và xác lập nhận thức về tầm quan trọng của kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn đến 2030.

           Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.

          Thông tin nội dung cơ bản của Kế hoạch chiến lược trên trang Website của nhà trường.

    2. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá

          Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược, điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

          Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược bao gồm Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn, các tổ trưởng tổ công tác, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên và cả tập thể ban chỉ đạo; Ban chỉ đạo có trách nhiệm điều chỉnh Kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn triển khai thực hiện sát với tình hình thực tế của nhà trường. Có thể chia thành các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1 (Từ năm 2021 đến 2022): Xác lập nền nếp kỷ cương theo tiêu chuẩn và đưa các hoạt động giáo dục vào nền nếp, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.

- Giai đoạn 2 (Từ năm 2022 đến 2026): Toàn trường thực hiện CT và SGK mới; rà soát điều chỉnh kế hoạch, Tiếp tục phát huy, khẳng định uy tín và hình ảnh cuả nhà trường là một cơ sở giáo dục có chất lượng cao của Thành phố, dáp ứng được yêu cầu của xã hội, giữ vững mục tiêu trường chuẩn Quốc gia, xây dựng mô hình trường THPT Chất lượng cao.

- Giai đoạn 3 (Từ năm 2026 đến 2030): đánh giá thực hiện chiến lược; xây dựng kế hoạch chiến lược 2026 - 2030 và tầm nhìn đến 2040.

     3. Nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo

3.1. Đối với Hiệu trưởng

          Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập các Ban để tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá thực hiện kế hoạch từng năm và cả giai đoạn.

          Trưởng ban chịu trách nhiệm điều hành, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện;

          Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược đến từng cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường;

          Tổ chức kiểm tra, đánh giá triển khai, thực hiện Kế hoạch từng năm học, từng giai đoạn.

3.2. Đối với các Phó Hiệu trưởng

          Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp phù hợp để điều chỉnh sát với kế hoạch chiến lược đồng thời phù hợp với quy luật phát triển.

- Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.

          Phó ban, theo dõi chỉ đạo kiểm tra, đánh giá các mặt hoạt động dạy và học; chỉ đạo công tác bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chuyên môn; xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, kém; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi và theo dõi đôn đốc thực hiện; tổ chức các hội thảo chuyên đề theo quy định.

- Phó Hiệu trưởng phụ trách đức dục và công tác khác

          Phó ban, chỉ đạo hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng kế hoạch rèn luyện hạnh kiểm và nhân cách cho học sinh; chỉ đạo hoạt động phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh.

          Chỉ đạo kiểm tra, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu dạy và học; chỉ đạo làm vệ sinh trường, lớp; chăm sóc cây cảnh tạo môi trường sạch sẽ, tháng mát an toàn, thân thiện.

3.3. Đối với tổ trưởng chuyên môn

          Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên và các phần việc được phân công phụ trách. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, chú trọng các biện pháp để hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực áp dụng dụng triệt để các phương tiện, thiết bị vào trong giảng dạy, hạn chế dạy chay, ... chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, phân loại giáo viên chính xác, không cào bằng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng các giờ giảng.

3.4. Thư ký Hội đồng

          Hỗ trợ ban chỉ đạo thiết lập hồ sơ theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất các nội dung của kế hoạch. Thông báo các thông tin cần thiết cho hội đồng sư phạm.

3.5. Chủ tịch Công đoàn

- Chỉ đạo hoạt động của các tổ Công đoàn, động viên đội ngũ tích cực thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; giúp đỡ, hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ trong quá trình thực hiện, xem xét đánh giá thi đua và đề xuất khen thưởng cuối năm, cuối giai đoạn. Chú trọng vào hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

- Tổ trưởng công đoàn: Phối hợp với Tổ trưởng chuyên môn, nhóm trưởng bộ môn, động viên đội ngũ tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; mạnh dạn đề xuất các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đề xuất khen thưởng các cá nhân điển hình tiên tiến của tổ.

3.6. Bí thư Đoàn trường

          Xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, đội TNXK, cha mẹ học sinh để rèn luyện đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sưu tầm các trò chơi dân gian, trò chơi khoa học; thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ: CLB âm nhạc, CLB nhiếp ảnh, CLB bóng rổ, CLB tình nguyện, CLB Tiếng Anh, CLB Văn học, CLB STEM…tạo những sân chơi bổ ích khác cho học sinh.

          Động viên các đoàn viên, các chi đoàn lớp hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

          Xây dựng kế hoạch dài hạn về công tác phát triển đảng trong đoàn viên học sinh

3.7. Giáo viên chủ nhiệm

          Phối hợp chặt chẽ ba môi trường Nhà trường - Gia đình - Xã hội để giáo dục hạnh kiểm cho học sinh; tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua do cấp trên phát động, tổ chức các hoạt động để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; bám lớp, theo dõi để giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo, vượt khó trong học tập và rèn luyện.

          Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện học sinh.

3.8. Đối với cá nhân cán bộ, nhân viên

          Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học.

          Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

          Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ, chú trọng các biện pháp để đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động dạy và học, phục vụ nhân dân; thực hiện nghiêm túc quy chế một cửa; áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác văn phòng, thiết lập công tác quản lý hồ sơ, sổ sách khoa học; nâng cao chất lượng công tác phục vụ đáp ứng nhu cầu đổi mới của nhà trường.

     4. Tiêu chí đánh giá

          Bám sát nội dung Kế hoạch chiến lược, các mục tiêu, chỉ tiêu, phương châm hành động được nêu trong kế hoạch chiến lược để kiểm tra, đánh giá mức độ thực hiện, đánh giá mức độ tiến bộ có so sánh các chỉ tiêu cùng kỳ năm sau với năm trước và với mục tiêu đề ra của kế hoạch chiến lược.

          Trên đây là Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn đến 2030 của trường THPT Thăng Long, nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện kế hoạch có nội dung nào còn vướng mắc đề nghị phản ánh về Hiệu trưởng để thống nhất giải quyết.

 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác