Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
18/10/2013 | 20:43 - Lượt xem: 1481

Hội thảo KHKT INTEL ISEF lần thứ II năm học 2013 -2014

Nhằm giúp học sinh làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết đã học vào giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn, tạo cơ hội cho học sinh được chia sẻ các ý tưởng khoa học với bạn bè trong và ngoài nước. Từ 13h15 đến 17h30 ngày 16/10/2013 trường THPT Thăng Long đã tổ chức “ Hội thảo khoa học và kĩ thuật Intel – Isef lần thứ II”. Ngay từ những giây phút đầu, không khí chuẩn bị cho hội thảo đã khá căng thẳng và gấp rút, mọi sự chuẩn bị đều được chú trọng cẩn thận.



Các thí sinh đang kiểm tra lại đề tài trước giờ thuyết trình



Thầy Trần Ngọc Năm – Phó hiệu trưởng nhà trường đã tuyên bố khai mạc “ Hội thảo khoa học và kĩ thuật Intel – Isef lần thứ 2 ” ( Ảnh 2 )



PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư kí hội khảo cổ học Việt Nam đã chia sẻ những tâm sự về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của mình với học sinh trong một niềm vui phơi phới


Thành phần hội đồng khoa học THPT Thăng Long:

Về phía khách mời gồm có: PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư kí hội khảo cổ học Việt Nam, thạc sĩ Hoàng Mạnh Long – giảng viên chính Học viện Kĩ thuật quân sự đồng thời là giám đốc công ty Long Quân.

Về phía lãnh đạo nhà trường: Cô Phạm thị Thanh Vân – Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Ngọc Năm – Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Vũ Phương Quyên – Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Bùi Thị Bắc – cố vấn Đoàn trường, cô Nguyễn Thanh Ngà – giáo viên bộ môn Sinh học – tổ phó chuyên môn, thầy Ngô Thọ Cường – giáo viên bộ môn Vật lý – người phụ trách kĩ thuật cho buổi hội thảo và đặc biệt là sự có mặt đầy đủ của 9 nhóm tác giả đến từ trường THPT Thăng Long. 

Phần chính của buổi hội thảo: 9 đề tài đến từ 9 nhóm tác giả tài năng đã vượt qua nhiều vòng tuyển chọn để có mặt trong hội thảo ngày hôm 16/10 lần lượt lên thuyết trình.



Nhóm của Lê Hoàng Anh (12A2) và Nguyễn Phương Chi (12A2) – với đề tài “Ứng dụng năng lượng sóng âm”.
Là nhóm thuyết trình đầu tiên, Hoàng Anh và Phương Chi có phần hơi run. Tuy nhiên, sau khi nghe lời nhận xét và góp ý từ phía hội đồng khoa học hai bạn có thể thở phào bởi đề tài được đánh giá là rất hay và có tính thực tiễn cao trong lĩnh vực năng lượng.

Bạn Tạ Tương Duy (12A3) – với ý tưởng “Tối ưu hóa khả năng sử dụng nhiên liệu trong ô tô nhờ hệ thống tái tạp năng lượng từ nhiệt năng và ánh sáng mặt trời”. 
Với mô hình thực nghiệm ý tưởng thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện và cơ khí, Tương Duy đã gây ấn tượng với những người tham gia hội thảo.
 

Nhóm tác giả: Từ Minh Ngọc (12D2), Phạm Duy Thanh (11T4), Trịnh Minh Thúy (11T5) – dự thi với đề tài thuộc ngành lĩnh vực vi trùng học. 

Ba bạn đã bắt tay vào nghiên cứu “Cách  sử dụng hạt Nano từ gắn kháng thể để làm tăng độ nhạy của bộ kiểm tra nhanh E.Coli và đề xuất áp dụng phương pháp này cho các bệnh truyền nhiễm”. Nhóm đã được sự đỡ đầu của Thạc sĩ Trần Quang Huy đến từ viện Khoa học Công nghệ và cô giáo Phạm Thanh Ngà - trường THPT Thăng Long để hoàn thành xuất sắc đề tài này. 

Cùng lĩnh vực trên, bộ ba đến từ lớp 11T2 – Nguyễn Tài Tuấn, Bùi Hoàng Hiếu, Lê Quốc Hùng - đã đề xuất ý tưởng rất độc đáo và khá mới lạ trong hội thảo - Nghiên cứu “Chế tạo dung dịch rửa chén bát từ chè xanh và tía tô”. 

Tiếp theo là một đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi đến từ một tác giả rất đặc biệt. Như thầy Ngô Thọ  Cường đã nói: “Bạn là một hiện tượng rất lạ”:

Bạn Lê Hương Giang ( 12D2 ) – một học sinh khiếm thị - với đề tài “Bạn nhìn cuộc sống bằng đôi mắt hay bằng trái tim”. 

Đề tài này đã gây sức hút với hội đồng khoa học qua cách trình bày gãy gọn và ý tưởng đặc sắc: tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết giúp gắn kết học sinh bình thường và học sinh khuyết tật trong phạm vi THCS THPT. Hai vị khách mời đã rất khâm phục Hương Giang và hứa sẽ giúp đỡ bạn trong việc tìm người đỡ đầu cho đề tài này. 

Cùng lĩnh vực, cùng tìm hiểu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, những tân binh Ngô Minh Châu, Lưu Thanh Thủy và Nguyễn Thị Kim Oanh của lớp 11D5 trường THPT Thăng Long đã đề cập đến ý tưởng “Một số giải pháp giúp trẻ tự kỉ tái hòa nhập với cộng đồng”.

Một phần vì mới tham gia hội thi KHKT lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ nên cách thuyết trình của bạn không tránh khỏi sự dài dòng; đề tài của nhóm tuy hay nhưng vẫn chưa có tính thực tế cao. 

Có lẽ với tấm lòng nhân ái, học sinh Thăng Long rất quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta lại bắt gặp thêm một đề tài về trẻ tự kỉ ở lĩnh vực khoa học môi trường:

Bạn Đỗ Thùy Trang (10T4) và Cao Ngọc Anh (10T4) – “Phát hiện và điều trị sớm bệnh tự kỉ bằng liệu pháp tâm lí và châm cứu”.

Vẫn trong lĩnh vực này, ba nhân tài của khối 10 đã đề xuất ra “Lọc nước mặn thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời” - Đặng Trần Thái Huy (10D4), Nguyễn Tùng Anh (10T4), Nguyễn Ngọc Lâm (10T5). 

Đề tài cuối cùng tham dự buổi hội thảo cũng đến từ một bạn nữ khối 10. Bạn Nguyễn Bằng Thương (10T4) – “Cuộc cách mạng về năng lượng ngay trên đường giao thông”. 

Nói về ý tưởng này, thầy Trần Ngọc Năm - Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét một cách hóm hỉnh: “ Đây là một cô gái ban tự nhiên với một ý tưởng khoa học lãng mạn vô cùng”. Thạc sỹ Hoàng Mạnh Long tuy rất thích ý tưởng cũng như sự chuẩn bị kĩ càng của bạn Bằng Thương nhưng vẫn phải đặt ra câu hỏi về tính thực tế và khả năng thực hiện nó trong cuộc sống. Đây là một ý tưởng cần các nhà khoa học nghiên cứu và xem xét.

Kết thúc hội thảo là những lời chia sẻ, những món quà đầy ý nghĩa mà hai vị khách mời đã gửi tặng nhà trường và các bạn học sinh THPT Thăng Long:

Sau buổi hội thảo khoa học kĩ thuật Intel Isef lần thứ II, thầy Trần Ngọc Năm - phó hiệu trưởng nhà trường đã gửi tới các nhóm đề tài dự thi cũng như tất cả các bạn học sinh một lời khuyên: “ Hãy biến những gì ta đã học vào đời sống chứ đừng để nó mãi trên giấy. Đó mới là khoa học”. Và hy vọng tất cả các nhóm đề tài sẽ gặt hái được nhiều thành công trong mùa giải Intel Isep năm nay, nối tiếp những bảng vàng thành tích mà trường Thăng Long đã đạt được trong năm học trước.


Người thực hiện:
Nguyễn Hồng Hạnh 10D3 - Hương Giang 12D2 - CLB PV
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Thăng Long

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác