Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
21/02/2020 | 09:40 - Lượt xem: 1061

Giáo viên trường THPT Thăng Long tham dự Hội nghị mạng lưới lớp học Á – Âu năm 2019 tại Tokyo, Nhật Bản

          Hội nghị mạng lưới lớp học Á - Âu (ASEFClassnet) là hoạt động thường niên của Phòng giáo dục - Quỹ Á - Âu được tổ chức luân phiên tại Châu Âu và Châu Á nhằm kết nối các giáo viên, các lãnh đạo nhà trường, nhà hoạch định chính sách giáo dục, tạo cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà trường trong khuôn khổ các nước ASEM.   

          Hội nghị mạng lưới lớp học Á - Âu lần thứ 15 (ASEFClassnet 15) diễn ra  từ ngày 25/11/2019 đến ngày 29/11/2019 tại Tokyo, Nhật Bản – một quốc gia được công nhận trên toàn cầu là trung tâm hàng đầu cho việc phát minh ra các công nghệ và nghiên cứu dựa trên trí tuệ nhân tạo. Hội nghị được tổ chức bởi Tổ chức Á - Âu (ASEF) hợp tác với Đại học Sophia, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, Đại học Liên hiệp quốc Nghiên cứu chuyên sâu về Phát triển bền vững (UNU-IAS), và được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Phát triển Giáo dục & Trung tâm học liệu (DEAR), Trường Trung học - Ochanomizu và Đại học Mở, Vương quốc Anh.

          Hội nghị tập trung thảo luận về chủ đề “Giáo dục cho sự phát triển bền vững (ESD) và trí tuệ nhân tạo(AI): Vai trò và sự sẵn sàng của giáo viên” và  làm sáng tỏ các câu hỏi mấu chốt sau:

- Giáo viên cần thể hiện vai trò gì trong các lớp học để chuyển đổi cách dạy và học trở thành “giáo dục cho sự phát triển bền vững - ESD” trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo - AI?

- Người giáo viên cần trang bị những hiểu biết nào về ESD và AI để phát triển các phương pháp sư phạm phù hợp?

- Giáo viên cần được hỗ trợ trong việc xây dựng năng lực và cần có những sự hợp tác nào để tích hợp một cách ý nghĩa ESD vào chương trình và để tăng cường sự sẵn sàng của họ cho kỉ nguyên AI?

          ASEF ClassNet15 đã thúc đẩy những thảo luận sâu rộng về ESD và cung cấp những thông tin ngắn gọn về ứng dụng của AI trong giáo dục. Thông qua những bài giảng của các giáo sư khách mời và những chia sẻ thực tiễn đến từ các nước, hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng kiến thức về chủ đề ESD và AI - là một yếu tố tích hợp trong dạy và học ở các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở  và dạy nghề. Hội nghị đồng thời khuyến khích các trường tham gia mạng lưới Á - Âu tích cực, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra môi trường học tập toàn diện và phù hợp cho học sinh. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã đề xuất các khuyến nghị chính sách với các nhà hoạch định chính sách giáo dục và chính phủ để tích hợp tốt hơn ESD vào chương trình giảng dạy của trường với sự trợ giúp của các công cụ AI.

          Thành phần chính tham dự hội nghị bao gồm 57 giáo viên từ 51 quốc gia ASEM được lựa chọn từ 1700 hồ sơ ứng tuyển, ngoài ra còn có các ứng viên chiến thắng Giải thưởng hợp tác trường học ASEF ClassNet, các chuyên gia và đại diện EdTech.

          Cô giáo Nguyễn Thúy Hằng- giáo viên bộ môn Hóa học trường THPT Thăng Long đã vinh dự được lựa chọn là đại diện của Việt Nam tham dự hội nghị lần này.

Cô giáo cho biết “ Giáo dục vì sự phát triển bền vững là chủ đề mà tôi đã quan tâm và tích hợp trong dạy học bộ môn hóa học nói riêng và trong các giờ học ngoài giờ lên lớp nói chung. Chính vì vậy mà chủ đề hội nghị lần này thực sự phù hợp và gây hứng thú cho tôi”.

          Đây thực sự là cơ hội quý báu để đại diện của trường Thăng Long học tập, giao lưu và tạo tiền đề cho sự hợp tác của giáo viên và học sinh nhà trường với các trường trên thế giới. Sau hội nghị, cô Nguyễn Thúy Hằng cùng học sinh trường THPT Thăng Long sẽ tham gia vào 2 dự án kết nối trực tuyến với các trường trong nhóm các quốc gia ASEF. Cô giáo cũng bày tỏ mong muốn rằng sự kết nối này sẽ không ngừng được mở rộng để từ đó học sinh có cơ hội tiếp cận và học hỏi nhiều hơn từ các học sinh đến từ các nền văn hóa khác nhau. 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác