Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
20/11/2013 | 19:37 - Lượt xem: 1061

20/11 – Mùa của tri ân

20/11 – Mùa tri ân, mùa của truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Đó là ngày tôn vinh nghề nhà giáo Việt Nam – nghề cao quý nhất. Cùng bảng đen, phấn trắng, trang giáo án thầm lặng và nhiệt huyết cháy bỏng với nghề, các thầy, các cô đã vững tay chèo, đưa lớp lớp học trò cập bến bờ tri thức. Để phần nào đáp lại công ơn lớn lao ấy, sáng ngày 19/11/2013 thầy và trò trường THPT Thăng Long long trọng tổ chức: “Lễ kỉ  niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11”, thay lời tri ân chân thành nhất gửi đến các thầy các cô.

Trong không khí hân hoan của buổi lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nhóm phóng viên Thăng Long đã có cơ hội được trò chuyện và lắng nghe những suy nghĩ cũng như cảm xúc khó tả của thầy và trò tại chính ngôi trường này.

Phóng Viên: Nhân kỉ niệm 31 năm ngày nhà giáo Việt Nam, trên cương vị là một người giáo viên, thầy cô hãy chia sẻ cùng chúng em suy nghĩ của mình về nghề nghiệp cao quý mà không ít người đã đang và mong ước được gắn bó.

Cô Trương Minh Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 10D2 chia sẻ: “Trải qua rất nhiều năm trong nghề, và đang giữ vị trí chủ nhiệm khóa học sinh cuối cùng, với cô nghề giáo viên luôn là một nghề cao quý, xứng đáng được xã hội tôn vinh. Cô rất tự hào khi mình là một nhà giáo Việt Nam, được đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.”

Trên góc độ một thầy giáo trẻ, cựu học sinh trường THPT Thăng Long, thầy Nguyễn Thanh Tùng hiện đang là giáo viên bộ môn ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú cởi mở cho biết: “Nghề giáo với thầy là một nghề cần cái tâm để nhìn. Một người giáo viên là sự hội tụ giữa truyền thống và hiện đại. Truyền thống để vững vàng trên bục giảng và hiện đại để sẵn sàng cập nhật thông tin, khoa học công nghệ mới trên thế giới vào chính bài giảng của mình.”

Phóng viên: Vâng, đang và từng được là thành viên của ngôi trường giàu truyền thống – Thăng Long, thầy cô và các bạn có cảm nhận cũng như kỉ niệm đáng nhớ nào ở nơi đây không ạ?

 

Cô giáo Lê Thị An - nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường đã cho hay: “Năm 1985 là năm đầu tiên cô được công tác dưới mái trường mang tên Thăng Long. Những tưởng thời gian còn dài nhưng thấm thoát hai mươi lăm năm trôi qua, cô đã đến tuổi nghỉ hưu. Tính đến nay, cô đã rời khỏi bục giảng trường THPT vài năm nhưng những tháng ngày được làm giáo viên, rồi đến công tác đoàn và cả trong ban giám hiệu nữa, Thăng Long thực sự đã in đậm dấu ấn trong trái tim cô.” Nói đến đây, cô nở một nụ cười hạnh phúc và đưa tay đặt lên trái tim mình, nghẹn ngào: “Vì rất yêu nghề, yêu trẻ nên sau khi về hưu cô vẫn đi dạy tại trường THPT Hoàng Diệu Victoria. Thỉnh thoảng, sau khi tan làm, cô có đi qua và tự mình ghé thăm mái trường xưa, tự bồi hồi kỉ niệm. Và ngày hôm nay, được chính thức dự lễ kỉ niệm của trường, khi chứng kiến thành tích trường THPT Thăng Long ngày càng phát triển thì cô còn cảm thấy tự hào vì mình đã cống hiến được hai mươi lăm năm, tuy nhỏ thôi nhưng cũng đóng góp được phần nào vào sự lớn mạnh ngày hôm nay của nhà trường.”

 

Lớp trưởng cá tính của 12T3 - Phạm Thị Ngọc Ánh vui vẻ nói: “Trong mình giờ có hai ngôi trường, một là Thăng Long xưa với nét cổ kính, với những kỉ niệm thời lớp 10 hồn nhiên, trong sáng, ngây ngô  chập chững bước vào trường ; một là Thăng Long nay với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại, cùng những hứa hẹn về một năm cuối cấp đầy kỉ niệm bên bạn bè, thầy cô và mái trường. Nhưng dù là Thăng Long nào thì với Ánh, nó vẫn ấm áp, nồng hậu và luôn chở che cho mỗi học sinh. Đây chính là ngôi nhà thứ hai mà mỗi khi mệt mỏi mình muốn được trở về, dựa vào. Không biết từ bao giờ, Thăng Long đã chiếm giữ một ngăn quan trọng không thể xóa mờ trong trái tim mình!

 

Phóng viên: Chắc chắn thầy – trò THPT Thăng Long đang cùng xúc động trước không khí thắm tình của ngày lễ tri ân đầy lưu luyến? Để kết thúc bài phỏng vấn này, thầy cô và các bạn hãy gửi vài lời nhắn nhủ đến những người mình yêu thương.

 

Cô Phí Thị Lệ Hiền - giáo viên môn Tiếng Anh rất trẻ và đầy nhiệt huyết mạnh mẽ nói : “Các em học sinh, đặc biệt là học sinh Thăng Long cần tìm rõ mục đích sống của mình, đảm bảo học ra học, chơi ra chơi, luôn luôn mạnh dạn, tự tin vào bản thân. Có vậy, cô tin các em sẽ thành công trên con đường mình đã chọn.”

 

Là một học sinh lớp 10 còn đang bỡ ngỡ những bước đầu tiên vào trường, bạn Nguyễn Lê Huy lớp 10D3 tâm sự: “Tôi muốn gửi một lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả các thầy, các cô, những người đã và đang làm nghề nhà giáo – nghề lái đò, nghề thiêng liêng nhất trong tôi. Lời tri ân, lời xin lỗi tuy muộn màng nhưng xuất phát từ tận sâu trái tim con mong muốn được gửi tới các thầy các cô.” Nói đến đây, hai mắt bạn đã đỏ hoe, dường như cảm xúc kìm nén bấy lâu đang tuôn trào trong tâm tưởng của chàng trai mười lăm tuổi này. Nén cảm xúc, Lê Huy nghẹn ngào: “Em không biết nói gì hơn, chúc cho lễ kỉ niệm ngày nhà giáo của trường THPT Thăng Long thành công rực rỡ, chúc các thầy, các cô mạnh khỏe, vui vẻ và mãi mãi là những con ong thầm lặng đáng kính bên trang giáo án để chắt chiu cho đời những giọt mật tinh túy nhất! Con xin cảm ơn những người cha người mẹ thứ hai của chúng con!”

Phóng viên: Xin cảm ơn thầy cô và các bạn về những lời chia sẻ chân thành và đầy cảm xúc vừa rồi!

Các bạn thân mến! Có thể nói, thầy cô được coi là những người cha, người mẹ thứ hai của mỗi học sinh. Bởi, nếu cha mẹ ban cho chúng ta sự sống thì thầy cô đã bồi đắp cho chúng ta một tâm hồn có trí tuệ và biết yêu thương. Để kết thúc bài phỏng vấn này, xin cho chúng con được trích lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của cô Lê Thị An: “Hãy giữ vững mãi truyền thống thầy dạy giỏi, trò rèn luyện, học tập tốt để tô thắm thêm trang sử vàng 48 năm của trường THPT Thăng Long.”

 

Thc hin: Vũ Minh hiếu (10D2), Nguyn Hng Hnh (10D3) - Lê Hương Giang (12D2)- CLB p/v Thăng Long

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác